Cố nhạc sĩ Bắc Sơn người dành trọn một đời cho âm nhạc và gia đình, những sáng tác của ông thường gắn liền với quê hương và tình người. Nhạc của ông mang âm hưởng dân ca Nam bộ, trong sự nghiệp của mình, ông đã viết khoảng 500 ca khúc nhạc nhẹ, nhạc không lời, tham gia góp mặt trong 60 bộ phim, là tác giả của khoảng 80 kịch bản phim và 100 vở kịch nói. Em Đi Trên Cỏ Non là một ca khúc nhạc quê hương, được sáng tác vào trước những năm 1980, với giai điệu nhẹ nhàng du dương của các nhạc cụ dân tộc, nhạc sĩ Bắc Sơn đã làm sống lại trong lòng người nghe ký ức của vùng quê tuổi thơ ngày nào và khắc họa tình cảm cha con ngắn gọn nhưng đủ và đẹp.
Em đi trên cỏ non mọc ôm đôi bờ đường đê.
Em che nghiêng nón lá chân rụt rè qua nhịp cầu tre.
Quê hương em ở ngoại thành xóm nhà tranh
Em đi qua mấy sông vượt mấy đèo
Dẫu trèo lên đỉnh cao mấy núi cũng lặn lội về thăm.
Bài hát “Em đi trên cỏ non” được cố nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác trong vòng 1 ngày dành tặng con trai của ông. Ca khúc nói lên cảm xúc của người con xa quê từ thuở nhỏ, trong một lần về thăm quê những kỷ niệm xưa và những bở ngỡ của lần đầu tiên trải nghiệm. Cái nhớ cái quên và không thể nào quên khiến cho tác giả dễ dàng và khéo léo vẽ lên bức tranh phong cảnh đầy cảm xúc. Người con phố thị xa quê nhiều năm trong một lần về thăm quê hương ngoại thành, lần đầu bước đi trên cỏ non xanh mướt đôi chân cảm nhận cái mát lạnh dịu êm của cỏ có chút khác lạ với đường phố nội ô. Người em che nghiêng nón lá có chút rụt rè qua mấy nhịp cầu tre vì đã lâu rồi chưa về, nhưng dù em có đi qua mấy sông vượt mấy đèo cũng sẽ lặn lội về thăm, đó cũng là lời nhắc nhở những người con xa quê khác và chính bản thân mình rằng quê hương là cội nguồn xin đừng quên.
Em quên tên luống rau càng cua mọc bờ thềm xưa,
Nhưng em không thể quên
Cây cầu dừa mưa rụng giọt mưa.
Cha đưa em đi học ngôi trường xa,
Đôi chân em bé nhỏ sợ lấm bùn
Cha ngồi xuống cõng em cha nói cưỡi ngựa ngựa phi.
Rau Càng Cua, một loại rau được yêu thích và sử dụng nhiều trong các món ăn miền Nam.
Đúng vậy, dù chúng ta có thể quên tên loại rau Càng Cua thân quen ngày nào nhưng xin đừng quên cây cầu dừa trơn trợt. Ở đây tác giả không dùng mưa rơi mà là mưa rụng bởi từ rụng là từ mà người dân miền Nam thường dùng nó gợi cảm giác thân quen và làm cho quan cảnh cũng nhẹ nhàng hơn. Những giọt mưa từng hạt rụng xuống cây cầu dừa, luống rau càng cua hay trên từng cụm cỏ non làm cho người em nhỏ sợ lấm bùn… Ở đâu có người thân ở đó có quê hương, quê hương dù đẹp đến mấy nhưng thiếu mẹ cha thì quê hương cũng chỉ là một bức tranh không hồn, hình ảnh người cha ngồi xuống cõng đứa con nhỏ khi thấy sự e dè của em, cha nhẹ nhàng nói cưỡi ngựa phi. Chỉ một câu nói cũng thể hiện rõ ràng và đầy đủ bao tình yêu thương và sự hi sinh của ơn nghĩa sinh thành.
Xám khói xám chân mây hỏi rằng có phải sương bay.
Trắng áo trắng ai đi vội vàng bóng dáng thơ ngây.
Giai điệu bỗng dừng lại, lời nói của cha như văng vẳng bên tai, khi chợt nhớ về tình yêu và sự nâng niu yêu thương chăm sóc dạy bảo của cha, cũng là lúc ta trầm mặt. Khoảng lặng trong tim như dừng lại từng làn khói xám của quang cảnh khiến ta ngỡ ngàng hỏi rằng có phải sương bay của mộng ảo.
Tia nắng nhuộm vàng thôn xóm,
Cơn gió rụng bông bưởi trắng.
Nghe có gì như tha thiết.
Qua lối mòn chưa quen biết.
Cha hoàn toàn có thể cõng con đi bất kể đâu. Cha hoàn toàn có thể vì con mà làm bất kể điều gì.
Có thể nói Em Đi Trên Cỏ Non là một bài hát đặc sắc của dân ca nam bộ, là một bài hát đa giai điệu không đồng nhất như các bài hát khác. Để diễn tả sự níu kéo thời gian lo ngại những thứ tươi đẹp trước mắt tan biến, nhạc sĩ bắc Sơn đã khéo léo dừng khoản nhạc để những ca từ tả cảnh như lời tự sự bộc bạch của những người con xa quê. Những tia nắng vàng trải dài khắp thôn xóm, những cơn gió mát lay rụng bông bưởi trắng rất tha thiết trên từng lối mòn xưa.
Em chưa đi trên cỏ non
Chưa từng nghe mát rượi bàn chân.
Em chưa qua mấy khúc sông
Chưa được nhìn doi vịnh chiều hôm.
Em chưa yêu ngoại thành,
Khi mà em chưa nghe trái tim mình rung động,
Thuở mẹ đợi cha thương lắm như ruộng đợi phù sa
Thuở mẹ gặp cha thương lắm như ruộng ngập phù
Phần kết của bài hát tác giả dùng thuật phủ định trong khẳng định. Nếu em chưa từng đi trên cỏ non em sẽ không biết được cảm giác mát rượi bàn chân nhưng nếu đã đi trên cỏ non thì em sẽ quyến luyến không thôi. Nếu em chưa từng chèo thuyền qua mấy khúc sông thì sẽ không biết được doi vịnh chiều hôm là gì. Doi vịnh chiều hôm có thể hiểu nôm na gần như là bên lỡ bên bồi của khúc sông vậy, doi là phần đất lồi do cát và phù sa tạo thành, vịnh là phần đất khuyết ăn sâu vào đất liền. Doi vịnh là hình ảnh đặc trưng cho miền sông nước cũng như sự am tường nghề chèo lái của người dân nơi đây. Nếu em là người con thị thành chưa từng biết qua những hình ảnh quen thuộc này thì em sẽ không yêu ngoại thành, không nghe trái tim mình rung động. Cái tình yêu của người con ngoại thành xa quê từ thuở nhỏ cũng giống như thuở mẹ đợi cha và thuở mẹ gặp cha vậy đó là những cảm xúc tươi mới tuy lạ mà quen tuy gần mà xa.
Doi là phần đất lồi do cát và phù sa tạo thành, vịnh là phần đất khuyết ăn sâu vào đất liền
Ca khúc Em Đi Trên Cỏ Non của nhạc sĩ Bắc Sơn cũng như nhiều bài hát dân ca nổi tiếng khác của ông, đều là những tác phẩm mang chất riêng trong cấu trúc âm nhạc, nhưng nội dung gần như nhau đều ngợi ca miền đất quê nghèo nhưng đầy ân tình đầm ấm, ơn nghĩa sinh thành sâu nặng, từ những hình ảnh đơn sơ và mộc mạc nhất.