Có khoảng hơn 25 năm, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện với nhau thật lâu về những kỷ niệm bạn bè và những đoạn đường âm nhạc đã trôi đi. Khung cảnh bên ngoài của quán café Gypsy khá vắng vẻ, làm câu chuyện trở nên thân mật hơn, chỉ cần nói nhẹ, rất nhỏ, tất cả những hình ảnh cũ của hơn một phần tư thế kỷ trước đây cũng đủ sức quay về. 25 năm trước, đó là thời gian hoàng kim của nền âm nhạc tại hải ngoại nói chung và của Sơn Tuyền nói riêng, chúng tôi gặp nhau gần như mỗi đêm trong tuần trên nhà ca sĩ Khánh Ly, kẻ tập nhạc, người trò chuyện… và thời gian của những ngày đó dù đã vùn vụt đi qua nhưng giữa chúng tôi, còn biết bao nhiêu kỷ niệm nằm ở lại… Gần nhiều năm qua, kể từ ngày Sơn Tuyền về lại quê nhà trình diễn, tuy ít gặp lại nhau nhưng mỗi khi có dịp cùng ngồi café tâm sự như thế này, câu chuyện 35 năm ca hát của Sơn Tuyền vẫn luôn sống động hơn bao giờ hết.
Sơn Tuyền được sinh ra trong một gia đình có 15 chị em nhưng chỉ có người chị nổi tiếng Thanh Tuyền và cô bước chân vào nghiệp ca hát. Thuở nhỏ thương em, có lần tiếng hát Nỗi Buồn Hoa Phượng giới thiệu SơnTuyền đến học với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông những năm 1972-1973… thuở đó, Sơn Tuyền còn quá nhỏ để có dịp đam mê theo nghề, và cơ hội lại vụt trôi đi theo giòng thời gian…
Năm 1979, cô rời Việt Nam đến đảo Air Raya và cùng với 2 nhạc sĩ Trường Hải, Ngọc Trọng tổ chức nhiều chương trình ca nhạc cho đồng bào Việt Nam trên hòn đảo xứ Nam Dương này. Tháng 4 năm 1980, Sơn Tuyền đặt chân đến Mỹ và định cư tại Houston, Texas. Chỉ một thời gian ngắn vài tháng, Sơn Tuyền đã nhận lời đi hát mỗi cuối tuần tại các quán café nổi tiếng ở đó như Bốn Phương, Dư Âm… với tiền lương khoảng 50 đô một đêm. Với những bước chân đi chưa tạo hào quang, nhưng với lòng yêu nghề, Sơn Tuyền đã phải trải qua những năm đầu tại đất Houston là thế. Có một lần trình diễn tại cảng Port Arthur năm 1983, Sơn Tuyền rất vui khi gặp được nữ ca sĩ Khánh Ly và lại càng vui hơn khi tiếng hát Diễm Xưa khen Sơn Tuyền ca bài Anh Đã Quên Mùa Thu rất đạt… Chị còn khích lệ Sơn Tuyền nên thu xếp về sống ở Quận Cam vì đó là mảnh đất có nhiều cơ hội cho những tài năng trẻ. Vì lời nói đó, Sơn Tuyền đã quyết định rời Houston về Cali định cư năm 1988, và đó là thời gian đánh dấu nhiều thay đổi của đời nàng.
Năm 1988, khi vừa đặt chân sang Cali, Sơn Tuyền thực hiện cuốn băng nhạc đầu tay có tên “Anh – For Your Eyes Only” và tự mình phát hành băng nhạc này. Những năm trước đây, mỗi khi đi hát ở đâu, Sơn Tuyền đều ghi xuống địa chỉ của những chợ, cửa tiệm có bán băng nhạc Việt, đồng thời khi sang Cali, nàng xin Khánh Ly, rồi xin cả anh Ngọc, anh Bửu của Sóng Nhạc danh sách các đại lý và tự động gọi đến họ mời chào tác phẩm đầu tay của mình. Cô không hề tự ái hay buồn phiền khi người bên kia đầu dây điện thoại trả lời: “Ở đây khách hàng chưa biết tên tuổi cô, làm sao chúng tôi dám mua vào”. Sơn Tuyền mềm mỏng nhẫn nại: “Dạ, anh chị cứ nhận giúp em 10 cuốn, bán được thì em mới xin nhận tiền… Chỉ xin anh chị giúp em mở băng lên cho khách nghe, Tuyền cám ơn anh chị nhiều lắm…”. Những lời nói năn nỉ nhẹ nhàng ấy đã khiến cho các chủ nhân cửa tiệm khó từ chối, khi họ nhận băng mới của Sơn Tuyền, họ đều mở lên giới thiệu cho khách nghe, nào dè khách nào cũng hỏi: “Ủa, ai hát vậy…”. Khi biết Sơn Tuyền là em gái của nữ danh ca Thanh Tuyền lại thêm một động lực để những người khách phải mua cuốn cassette “Anh – For Your Eyes Only” đem về nghe. Những bài hát trong cuốn băng đầu tay này chưa hẳn là tuyệt phẩm của nàng, tuy nhiên với giọng hát mạnh, đầy và rất trữ tình của Sơn Tuyền, nhất là băng này có nhiều loại nhạc phong phú như Sau Cơn Mưa (nhạc Hoa), Anh Đã Quên Mùa Thu (Tùng Giang – Nam Lộc), For Your Eyes Only, Love Is The Name Of The Game (nhạc Mỹ)… chẳng bao lâu các cửa tiệm và khách hàng từ khắp nơi yêu cầu nàng nên có cuốn thứ nhì, và thế là các album Tình, Một Lần Dang Dở, Dạ Vũ Muôn Mầu… lần lượt ra đời trong năm 1989.
Đến đầu năm 1990, có 2 sự kiện đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ca hát của Sơn Tuyền. Thứ nhất, Trung Tâm Người Đẹp Bình Dương của nhạc sĩ Lê Đức Cường nhận thấy mức bán băng rất mạnh của cô nên đã mời Sơn Tuyền thu tác phẩm Người Yêu Cô Đơn. Cuốn băng tung ra như một trái bom nổ lớn dành cho những ai hâm mộ giòng nhạc trữ tình. Thời gian đó, tôi thường gặp chị Thiệp, chủ nhân NĐBD để thay đổi mẫu quảng cáo cho báo Thế Giới Nghệ Sĩ nên nghe chị khoe: “Biết là Sơn Tuyền hát rất hay, nhưng không thể nào ngờ cuốn này trúng quá sức. Bên khâu phát hành cho biết hết bìa rồi. Tối nay tôi phải cho in lại liền”. Cuốn Người Yêu Cô Đơn được xem như là chiếc đòn bẩy chắp cánh tên tuổi Sơn Tuyền bay xa khắp nơi vào thời điểm mở đầu của năm 1990.
Sự kiện thứ nhì, sau khi biến cố bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, Sơn Tuyền và Elvis Phương (sau đó là Thanh Tuyền, Khánh Ly, Tuấn Anh…) là 2 người tiên phong cho một loạt show đầu tiên ở các nước Đông Âu như Tiệp Khắc,Ba Lan, Đông Đức… và nhất là ở Nga với bầu Thăng thường xuyên tổ chức và mời nàng về. Ngày đó, báo Thế Giới Nghệ Sĩ thường xuyên đăng liên tục những hình bìa của Sơn Tuyền cũng như những sinh hoạt ca nhạc của cô tại Hòa Lan, Bỉ, Anh… Có cả những bức ảnh của cô và nhạc sĩ Lam Phương những buổi Sơn Tuyềntrình diễn tại Pháp, hoặc với ban nhạc Dạ Khúc tại Úc Châu, bộ tứ Sơn Tuyền,Khánh Ly, Elvis Phương, Tuấn Đạt tại Tây Đức, Thụy Sĩ…
Từ những thành công của 2 sự kiện này cộng với sự góp mặt của Sơn Tuyền trên những Video Thúy Nga, Asia, Thế Giới Nghệ Thuật… các hãng băng khác lại “trúng” thêm một số băng nhạc có tiếng hát cô, chẳng hạn TT Phượng Hoàng (với cuốn Lính Xa Nhà), Phượng Nga (Sơn Tuyền Chọn Lọc), Đời (Thiên Đường Tình Ái với Sơn Tuyền và Tuấn Vũ), Asia (Chuyện Giàn Thiên Lý với 4 tiếng hát Sơn Tuyền, Chế Linh, Nhật Trường, Mạnh Đình)… Một kỷ niệm khác của Sơn Tuyền và TT Làng Văn, có một lần anh Chúc Mông Cổ đề nghị tặng món quà gồm một xe hơi Porsche và một căn nhà trên núi hay ngoài biển gì đó, miễn là Sơn Tuyền chịu hát độc quyền cho trung tâm này… Khổ nỗi, đó là thời gian 1991-1992, Sơn Tuyền đang dự định làm riêng trung tâm cho mình nên cô đành từ chối bản hợp đồng rất “nặng ký” này.
Bù lại, khi ra trung tâm riêng, Sơn Tuyền đã thắng lớn 2 CD Hoa Sứ Nhà Nàng (đầu năm 91) và Thành Phố Buồn (đầu năm 92) bán không kịp ngừng. Và nhất là cuốn Video Thành Phố Buồn và 3 laser disc Sơn Tuyền 1, 2, 3 đã có mặt ở hầu hết mọi nhà người yêu nhạc Việt khắp nơi. Chính sự thành công này, vợ chồng cô đã mua được một căn nhà ở Fountain Valley và một căn khác ở Nguyễn Kiệm (Saigon) do các em cô chăm sóc. Tuy gặt hái nhiều hào quang danh vọng nhưng Sơn Tuyền lúc nào cũng nhớ đến những ân tình một thuở. Nhớ đến chị Khánh Ly với những lời khích lệ ban đầu, và sau này khi sang Cali, chị còn gửi cho những tờ danh sách đại lý bán băng, nhờ đó mà Tuyền đã giới thiệu được những tác phẩm của mình đến tay người nghe.
Riêng tôi, không thể nào quên, phút giây cô nhận lời vào phòng thu Asia thu âm cho Khánh Dũng trong cuốn băng Linh Hồn Tượng Đá hai ca khúc Chuyện Tình Ngưu Lang Chức Nữ và Hoa Học Trò. Lúc đó, Sơn Tuyền chỉ thu độc quyền cho hãng băng mình nhưng cô không từ chối lời năn nỉ của Khánh Dũng, hát xong 2 bài và trả lại ngay phong bì thù lao cho người ca sĩ trẻ này. Tình cảm và hành động đó của cô theo tôi mãi trong trí nhớ đời này.
Khoảng năm 2007, nhận lời mời của TT Rạng Đông cũng như sau đó với phòng trà Văn Nghệ (và Tiếng Xưa sau này), Sơn Tuyền đã thường xuyên về quê nhà trình diễn nhiều lần. Mấy năm gần đây, hai tên tuổi Chế Linh – Sơn Tuyền luôn luôn được yêu thích tại các tỉnh miền Bắc, nhất là qua những lần trình diễn tại vũ trường Century, Vịnh Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội… ở nơi nào cô đi qua, đều để lại những quý mến đậm sâu. Nếu kể từ ngày Sơn Tuyền đặt chân đến Mỹ và bước chân lên sân khấu trình diễn, tính ra hành trình âm nhạc của cô đã được gần 35 năm ca hát khá dài. Biết bao những tràng pháo tay, những lẵng hoa đẹp, những thảm đỏ hoa hồng… nhưng người ca sĩ đáng yêu đó, mang tên Sơn Tuyền, vẫn không hề thay đổi.
(trích một phần bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 5 (trong báo Việt Tide) phát hành ngày thứ sáu 13 tháng 3 năm 2015)