Nữ ca sĩ Hoàng Oanh được mệnh danh là “Con chim vàng Mỹ Tho”, cô là một trong 10 nữ ca sĩ ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam trước năm 1975. Có rất nhiều ca sĩ từng phát biểu với truyền thông rằng Hoàng Oanh là thần tượng của họ như Hương Lan, Như Quỳnh, Tâm Đoan, Mai Thiên Vân, Hương Thủy, Hà Thanh Xuân, Bảo Khánh…
Cô là một nghệ sĩ có sự nghiệp và đời tư ít thăng trầm: từ nhỏ đi hát và đi học, sống với gia đình và tình thân bằng hữu, cùng với cảm tình nồng hậu của thính giả với nhiều tác phẩm thành công như “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Anh tiền tuyến em hậu phương”, “Một người đi”, “Sao chưa thấy hồi âm”, “Về đâu mái tóc người thương”…
Hoàng Oanh lớn lên trong một đình nghệ sĩ, cha của cô là 1 người tài tử biết hát và biết đàn rất nhiều loại nhạc cụ, khi ông thấy con gái có giọng hát hay nên ông đã bắt đầu dạy cô hát. Cô được cha đào tạo từ lúc 4 tuổi, đến 5 tuổi cô đã bắt đầu đi thi các cuộc thi ca nhạc. Những nghê sĩ yêu thích của cô phải kể đến như là ca sĩ Duy Trác, ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, Thanh Thúy, …
Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi, nghệ danh Hoàng Oanh của cô được chính cha mình đặt năm 1958 khi cô gia nhập ban thiếu nhi quân đội của nhạc sĩ Lê Đô phỏng theo câu hát của nhạc sĩ Lê Thương “…chờ tin thư chim Hoàng Oanh đưa, …” vì lúc ấy, trong ban thiếu nhi cũng có một người tên Kim Chi, trùng với tên cô. Cá nhân cô vẫn thích tên Hoàng Oanh vì đó là tên một loại chim có tiếng hót hay.
Cô cũng góp mặt trong ban Thiếu nhi của Trọng Liêu, ban Tuổi Xanh của ông Phạm Đình Sỹ và nghệ sĩ Kiều Hạnh, đến năm 1960 cô gia nhập ban Việt nhi của Nguyễn Đức ( cùng với Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Thanh Lan,..). Hoàng Oanh đi học văn hóa ở Sài Gòn, tuy trẻ tuổi nhưng lại thường xuyên được người ta mời đi thu âm. Tên tuổi cô được biết đến nhiều hơn bới các bài hát như Nếu một mai anh biệt kinh kỳ, Chuyến tàu hoàng hôn, … Lúc 12 tuổi cô đã ngâm thơ cho Duy Khánh hát bài Hòn Vọng Phu được thâu dĩa cho hãng dĩa Asia.
Ca sĩ Hoàng Oanh vốn có niềm mến mộ văn thơ từ nhỏ, cô có vào ban ngâm thơ của trường và cũng được cô Hồ Điệp chỉ dạy cách ngâm thơ, do lúc cô đang vừa học văn hóa vừa phải thâu đĩa nên phần lớn là tự học và cảm thơ từ từ. Nhiều bài thơ ngâm yêu thích của Hoàng Oanh là thơ của Hội thơ Tao Đàn, sau đó là thơ của những thi sĩ trong phòng trào Thơ Mới.
Thời gian dĩa hát 45 dòng nở rộ, cô được các nhạc sĩ gửi gắm cho rất nhiều bài hát. Ngoài ra cô còn được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế, vì tài ngâm thơ và thường ngâm thơ trước khi hát, cô đã tạo nên sự khác biệt cho các phần trình diễn của mình trong suốt sự nghiệp và được đánh giá là “đủ tài ca ngâm”. Bài hát “Ai ra xứ Huế” của nhạc sĩ Duy Khánh như cây cầu nối nhân duyên của cô với người dân xứ Huế tuy cô chỉ vỏn vẹn đến thăm trong 1 đợt trình diễn.
Hoàng Oanh bước vào con đường ca sĩ chuyên nghiệp khi cô vừa tốt nghiệp đại học, cô xuất hiện trong nhiều chương trình nhạc và thơ của đài phát thanh và đài truyền hình Sài Gòn như Tiếng Tơ Đồng của Hoàng Trọng, chương trình Phạm Mạnh Cương, Tiếng Hát Đôi Mươi của Nhật Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Tiếng Thùy Dương của Châu Kỳ,… Bài Mong chờ là được cô hát trong băng cát sét Trường Sơn của nhạc sĩ Duy Khánh.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác bài Người yêu của lính tặng Hoàng Oanh khi thấy cô được trường cử đi choàng vòng hoa cho những anh chiến sĩ trong ngày quân lực. Hình ảnh đó gây nhiều cảm xúc khiến ông viết tặng Hoàng Oanh và đem đến hãng dĩa Việt Nam yêu cầu cho Hoàng Oanh hát. Vào năm 1970, nhạc sĩ có lần sáng tác bài Một đời yêu anh và tỏ tình với Hoàng Oanh nhưng cô không đáp lại vì lúc đấy cô đã có người yêu sắp cưới, hiện vẫn là chồng của cô. Sau đó cô tránh mặt Trần Thiện Thanh và không hát bài của tác giả nữa kể từ năm 1970, dù trong lòng vẫn rất mến mộ một thiên tài âm nhạc như nhạc sĩ và rất vui vì là người gợi được cảm hứng cho nhạc sĩ sáng tác được tác phẩm để lại cho đời sau. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sau đó có sáng tác thêm bài Gặp nhau làm ngơ. Sau này, khi sang hải ngoại, cô có liên lạc với Nhật Trường – Trần Thiện Thanh để xin hát lại những bài nhạc của ông.
Hoàng Oanh sang hải ngoại năm 1975, vì biến cố năm 1975 đã làm mất hết các phần thu thanh và trình diễn của Hoàng Oanh trên các đài phát thanh và truyền hình nên khi ra đi cô chỉ mang theo một ít tư liệu đến Hoa Kỳ. Có lẽ vì thế mà sau này, mỗi khi phát hành CD hoặc băng đĩa hát, cô đều lưu giữ lại cẩn thận như một đứa con tinh thần của mình.
Về khía cạnh băng đĩa, cô được đánh giá là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất thời bấy giờ. Suốt sự nghiệp của mình, cô đã thâu khoảng hơn 200 dĩa với các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental. Cô còn nói
“Khi còn ở Việt Nam, mình hát có phần như giải trí thôi, người ta mua về nghe ban đêm ban ngày chơi giải trí, nhưng khi sang hải ngoại thì hát để an ủi những người tha hương, an ủi cho chính mình, thành ra mình có nhiều cảm hứng lắm”
Ngoài ra, Hoàng Oanh còn thực hiện rất nhiều CD Thánh Ca sau khi ra hải ngoại, cô là một người đa cảm, rất dễ xúc động nhất là khi hát những bài Thánh ca thiêng liêng vì cô là một người có Đạo. Trước đó cô thường chỉ hoạt động trong ca đoàn và thu đĩa cát sét cho Cha.
Mừng Sinh Nhật Của Ca Sĩ Hoàng Oanh : 6/11
Thiên Huy.
Cô Hoàng Oanh hát những bài theo mình là hay nhất : Chuyện 1 chiếc cầu đã gãy, Sâu cô do, Trộm nhìn nhau, Mua trên phố Huế, Sao chưa thấy hồi âm, Xa vắng, Rừng lá thấp,. .. Hát và ngam thơ hay hơn ca sỹ khác. Đây là quan điểm cá nhân