Bài hát Linh Hồn Tượng Đá với tiếng hát Thái Châu trong những băng nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn đầu thập niên 70 đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người nghe với những lời ca nhớ nhung man mác :
“Em đã đến và đã đến như áng mây
Như cánh chim bay qua bầu trời
Ôi hình hài một vài giờ vui”
và ở đoạn kết là những ca từ đầy ray rứt :
“Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi
Nghe trái tim rung lên bồi hồi
Mong gì còn gặp lần thứ hai..”
Người yêu thích bài hát có nhiều lúc thắc mắc không rõ nhạc sĩ Mai Bích Dung là ai? Trai hay gái? Duyên cớ nào tác giả đã sáng tác một bài hát thật bùi ngùi như vậy? Từ hâm mộ, có người đã vẽ vời rồi sau đó thêu dệt biết bao chuyện hoang đường về thiên tình sử đẫm lệ Mai Bích Dung khiến nhiều người khác khi nghe được phải phục lăn, vì chuyện bí ẩn đó mà bạn mình cũng biết rõ.
Mới đây nhất, một ca sĩ nổi tiếng ngồi trên “ghế nóng” của một chương trình truyền hình tại Saigon, phịa ra trên màn ảnh câu chuyện có 3 cô Mai, Bích, Dung là đào của ba ông nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, sau khi làm cho ba ông ngất ngư say sóng vì men tình, bèn chơi cái màn bỏ rơi để mấy chàng trở thành điên dại, từ đó nhóm Lê Minh Bằng mới cùng nhau soạn chung bài hát Linh Hồn Tượng Đá rồi để tên ba cô như một lời trách móc…
“Câu chuyện hoàn toàn nhảm nhí và bịa đặt” – đó là lời của chị Lưu Dung Anh, một trong ba thiếu nữ nằm trong nghệ danh Mai Bích Dung nói với chúng tôi. Chị Lưu Dung Anh, còn được nhiều thân hữu gọi là Dung, hiện sống ở Việt Nam và cả Hoa Kỳ. Chị kể lại câu chuyện của gần 50 trước, chị và 2 người bạn Mai và Bích đi ra Vũng Tầu rồi vô tình gặp được 3 ông nhạc sĩ. Cuộc gặp gỡ trong thoáng chốc chợt thành kỷ niệm để đời với ca khúc Linh Hồn Tượng Đá và giống y hệt như lời kết của nó:
“nghe trái tim rung lên bồi hồi mong gì gặp lại lần thứ hai”
Tình cảm chỉ có vậy, làm gì có chuyện thề non hẹn biển rồi kết thúc phũ phàng? Kể lại câu chuyện này, vẫn chỉ là một chiều. Mời bạn đọc lắng nghe chiều còn lại từ nhạc sĩ Lê Dinh, một trong những nhân vật sáng tác ca khúc trên, hiện còn sống ở Canada và trình bày thật rõ ràng câu chuyện Linh Hồn Tượng Đá. Mời bạn đọc…
“Một kỷ niệm đáng nhớ nhất là nguồn gốc của bài Linh Hồn Tượng Đá mà đôi lần tôi đã kể cho thính giả và độc giả nghe: Một cuối tuần, anh Minh Kỳ, anh Anh Bằng và Lê Dinh rủ nhau ra Vũng Tàu chơi cho khuây khỏa và cũng để tìm cảm hứng sáng tác. Khi xe chúng tôi đến bãi Trước, chỗ Ty Bưu Điện, chúng tôi thấy ba cô gái mặc áo dài đang đi dưới nắng trưa nóng của Vũng Tàu. Anh Anh Bằng lái xe. Anh Minh Kỳ ngồi phía trước. Bất ngờ anh Minh Kỳ nói với anh Anh Bằng: “Bằng, Bằng dừng xe lại cho ba cô đó lên xe đi chung với mình. Tội quá, nắng chư vầy mà 3 cô đi bộ tội nghiệp quá!” Vì tính hơi nhác, anh Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi đi, tôi không đi đâu”. Anh Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để ‘moi’ đi cho”. Nói rồi, anh Minh Kỳ xuống xe và không biết anh Minh Kỳ nói gì với 3 cô đó mà 3 cô vui vẻ, đồng ý lên xe. Vì phía băng trước có anh Minh Kỳ ngồi, cho nên 3 cô phải ngồi ở băng sau với tôi. Tôi hỏi tên 3 cô và tại sao đi bộ dưới nắng trưa như vậy? Cô ngồi kế bên tôi cho biết cô tên là Mai, cô kế là Bích và cô bên kia là Dung. Tất cả 3 cô đều là sinh viên Khoa Học, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm.
Chúng tôi chở 3 cô ra bãi Sau, mời 3 cô vào quán dùng cơm trưa. Ăn xong, 3 cô xuống mé biển tìm sứa. Sau đó chúng tôi đưa 3 cô ra bến xe Vũng Tàu trở về Saigon. Đêm đó chúng tôi về khách sạn, anh Anh Bằng là người đề xướng việc viết bài Linh Hồn Tượng Đá, lấy tên tác giả – tên của 3 cô ghép lại – là Mai Bích Dung. Chúng tôi cùng hòan tất bài Linh Hồn Tượng Đá ngay đêm đó. Mặc dù, trong bài có câu “Không bao giờ gặp lại lần thứ hai”, nhưng thật ra chỉ đúng với tôi và anh Minh Kỳ thôi; còn anh Anh Bằng thì, sau khi nhạc khúc được in ra, anh Anh Bằng mang đến trường, tặng 3 cô, mỗi người một bản. Bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi được biết, qua cô Mai – tên thật là Mai Xuân Lan – hiện đang ở tiểu bang Ohio, thành phố Cleveland; cô Dung còn ở Việt Nam; và cô Bích cư ngụ tại tiểu bang Arizona. Chỉ có cô Mai Xuân Lan thỉnh thoảng liên lạc với tôi”.
______________________________
Trích bài Trần Bảo Như trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 163 phát hành ngày 23 tháng 3 năm 2018