Kính thưa quý vị độc giả, trước tiên tôi xin có đôi lời gửi đến quý vị như sau. Bài viết này tôi viết dựa trên những điều tôi góp nhặt được từ những người con của nhạc sĩ Thăng Long, những người bà con của ông ở Sóc Trăng ngày xưa, hay những hàng xóm cũ của nhạc sĩ Thăng Long, và những nhạc sĩ đồng nghiệp của ông để viết lên câu chuyện này. Những điều tôi viết đều hoàn toàn tự nguyện, không vì mục đích gì ngoài sự thật muốn gửi đến các bạn biết được cuộc sống côi cút của nhạc sĩ Thăng Long và gia đình sau 1975.
Nhạc sĩ Thăng Long sinh năm 1936 ở Hải Phòng, khi ông vừa được sanh ra đời thì mẹ ông qua đời, đến năm 15 tuổi thì cha cũng mất vì bệnh. Sau đó ông trôi theo giòng người vào Nam, kiếm sống lay lắt bằng nghề hát và đàn dạo. Thương cho hoàn cảnh của người bạn đồng hương, nhạc sĩ Đức Nội khi ấy đang làm việc ở Đài Phát Thanh Quân Đội đã giới thiệu nhạc sĩ Thăng Long vào làm trưởng ban Hồ Gươm phụ trách hằng tuần và từ 19 giờ tới 19 giờ 25 chiều thứ sáu trên làn sóng Đài Tiếng nói Quân đội. Vào cuối thập niên 1960, trong một dịp ông dẫn ban nhạc “Hồ Gươm” xuống Sóc Trăng trình diễn, trong chuyến đi đó ông đã làm quen được với một cô gái tên là Hoàng và sau đó cô ấy cũng là vợ của ông. Thời gian đầu thì gia đình bên vợ có vẻ không vừa ý lắm, vì thứ nhất ông hơn tuổi rất nhiều, và thứ hai thì thời đó người ta nghĩ rằng nghệ sĩ vốn phong trần bay bổng sẽ đa tình, có thể làm khổ con gái họ. Tuy vậy, nhạc sĩ Thăng Long với tánh tình hiền hành, chân thành, không đa tình cũng như chẳng rượu chè nhậu nhẹt, đã dần chiếm được tình cảm của nhà vợ. Cả hai sau này đã nên duyên vợ chồng, cô Hoàng chấp nhận nhạc sĩ Thăng Long vì cô hiểu được tình yêu của mình với nhạc sĩ, cũng như cô tin rằng dù có cơ cực nhưng vì tình yêu cả hai sẽ vượt qua được tất cả. Hai người có với nhau 3 người con, 2 trai và một gái : Tâm (Sinh 1972), Trang (Sinh 1976) và Tùng (Sinh 1978).
Vào biến cố 30/04, nhạc sĩ Thăng Long đã có thể di tản ra nước ngoài nhưng ông thương gia đình, thương vợ, thương con, ông sợ con cái sẽ khổ giống mình khi không có cha bên cạnh, nên ông đã quyết định ở lại, đó cũng có thể là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời của ông. Thời gian đầu ông làm đủ nghề để sinh sống, sau đó ông bén duyên với nghề sửa ô dù. Ngày nay, rất nhiều người ở Sài Gòn vẫn còn nhớ đến hình dáng của một ông trung niên chạy xe đạp hay rao sửa ô dù với giọng rao kéo dài rất đặc biệt, đó là hình ảnh về nhạc sĩ Thăng Long khoảng thời gian thập niên 1980. Cuộc sống lúc ấy thì cũng chỉ gọi là đủ ăn qua ngày, con cái học hành cũng chẳng được đến nơi đến chốn, Anh Tâm con trai trưởng thì may mắn còn học đến cấp 2, chị Trang con thứ thì học hết lớp 2, còn anh Tùng con út thì chưa biết được mặt chữ là gì. Ba người con cũng cùng mẹ ra đường vật lộn với cuộc sống để kiếm cái ăn với đủ nghề phụ hồ xây dựng, phụ quán ăn, có một thời gian Anh Tâm con trưởng có học nhạc bên lớp của nhạc sĩ Quốc Dũng với ý định theo nghiệp của cha nhưng không thành. Cuộc sống kéo dài đến cuối thập niên 1980 đầu những năm 1990 thì vợ nhạc sĩ Thăng Long cùng ba người con quyết định về lại quê nhà Phú Lộc, Sóc Trăng để tiếp tục tìm đường mưu sinh. Cả bốn người cùng về tá túc bên nhà ngoại, thỉnh thoảng ông Thăng Long có hay về Sóc Trăng thăm vợ con và cũng tá túc một thời gian ngắn bên nhà vợ.
Hình ảnh về nhạc sĩ Thăng Long thời gian đó trong tiềm thức của những người dân ở Phú Lộc như sau : Ông có Thăng Long người nhỏ ốm, không cao, dáng đi nhanh nhẹn, hay cúi mặt và lướt qua những người hàng xóm xung quanh dù vẫn giật đầu chào. Thỉnh thoảng ông về đấy thăm vợ con vài tuần rồi lên lại Sài Gòn tiếp tục con đường mưu sinh, ông ít nói, nhưng giọng nhẹ nhàng, pha chút buồn. Một số người nhận xét có lẽ vì thời cuộc, ngày xưa làm trưởng ban nhạc ở Đài Phát Thanh, mà giờ phải bôn ba xuống tận vùng bốn như thế này đã khiến ông tự ái mặc cảm với những người xung quanh, nhất là phải ở nhờ nhà vợ. Trong thời gian này, ba người con của ông Thăng Long sang Campuchia học nghề và làm việc bên đó một thời gian khá dài.
Vào khoảng giữa đến cuối thập niên 1990, thì do quá thương nhớ vợ con, và không muốn gia đình phải chia lìa nên ông đã bán căn nhà tồi tàng của mình ở cuối một hẻm nhỏ trong đường Đinh Tiên Hoàng và về Phú Lộc, Thạnh Trị mua một miếng đất xây nhà và vợ cũng như con cái về sum họp. Khoảng thời gian này có thể nói là khoảng thời gian hạnh phúc cũng như sum vầy nhất của gia đình nhạc sĩ Thăng Long, tuy nghèo vật chất nhưng vợ chồng cha con được đoàn tụ với nhau và chăm sóc lẫn nhau. Thời gian này thì anh con trưởng là anh Tâm và người con út là Tùng về VN ở với nhạc sĩ Thăng Long, và có vợ sinh con bên VN. Còn người con giữa là chị Trang vẫn làm việc bên Campuchia, và chị Trang theo sự mai mối đã lấy chồng bên Đài Loan. Thực sự thì khi vợ chồng nhạc sĩ Thăng Long hay tin thì mọi thứ đã xong xuôi hết rồi, chị Trang đã sang Đài và chỉ về đúng một lần duy nhất vào … đám tang nhạc sĩ Thăng Long.
Thời gian thập niên 2000 ở Sóc Trăng thì nhạc sĩ Thăng Long vẫn hành nghề sửa ô dù, nhưng sau đó cuộc sống đi lên thì người ta cũng ít sửa dù, toàn mua mới thôi nên nhạc sĩ Thăng Long chuyển sang nghề bán vé số. Nhưng cuộc sống khốn khó khiến cho ông không thật sự có nhiều vốn để lấy vé số từ đại lý, mà ông chỉ năng nỉ từ một người bạn bán vé số ở gần nhà chia lại cho 10 tờ vé số bán hằng ngày, sau khi bán xong mười tờ vé số đó thì nếu còn sức ông sẽ đến mượn tiếp 10 tờ vé số từ người bạn đó để tiếp tục bán. Tiền lời hằng ngày chỉ có mấy chục ngàn, ông để dành trang trãi vào việc đi chợ cơm nước mỗi ngày. Lâu lâu thỉnh thoảng cũng có vài người bạn nhạc sĩ từ Sài Gòn đi chơi đâu đó ghé ngang thăm hỏi như nhạc sĩ Thanh Sơn và Vinh Sử, cũng có một số ca sĩ nổi tiếng thời đó đến thăm như Phi Nhung. Cũng có sự giúp đỡ về tiền tác quyền lúc ấy từ các trung tâm băng nhạc ở nước ngoài như Asia và Thúy Nga, nhưng số tiền này cũng chỉ như muối bỏ biển trong cuộc sống khốn khó cuối đời của nhạc sĩ. Việc mưu sinh cực khổ cũng như lao lực quá nhiều năm đã khiến cho ông và vợ ông mang nhiều căn bệnh nặng. Vợ ông qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác vào năm 2005 và chỉ ba năm sau thì ông cũng ra đi, kết thúc cuộc đời của mình ở một huyện nhỏ của tỉnh Sóc Trăng hiền hòa. Trước khi qua đời, ông đã mang trong mình nỗi buồn tức tưởi khi bị lừa móc túi hết số tiền tác quyền vừa lãnh ở Sài Gòn …. Sự ra đi của ông tạo nên một nỗi buồn của người dân Ấp 1, Xã Phú Lộc. Rất nhiều người khi nhắc về Bác Hai (tên ở nhà của nhạc sĩ Thăng Long) đều bùi ngùi thương tiếc về người nhạc sĩ tuy nghèo khó nhưng vẫn luôn dành thời gian rãnh rỗi dạy đàn và trống miễn phí cho các thanh niên trong xóm.
Về sau này, căn nhà ở Sóc Trăng đó là nơi hai gia đình của anh Tâm (Con trưởng) và anh Tùng (con út) của nhạc sĩ Thăng Long sinh sống, hai anh cũng rất thương và có hiếu với cha mình, nhưng cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên sự báo hiếu cũng chẳng được toàn vẹn. Khoảng cuối thập niên 2010, vì làm ăn thất bại nên vợ chồng anh Tùng ly thân và vướng vào vòng lao lý trong khi mắc một khoảng nợ lớn. Vì thương em, cho dù không muốn nhưng anh Tâm cũng phải đồng ý cắn răng mà bán đi ngôi nhà tổ để trả nợ cho người em. Chán đời vì hoàn cảnh cũng như tan tác gia đình, anh Tâm bỏ lên Sài Gòn tiếp tục làm nghề xây dựng để nuôi con ăn học. Hiện anh Tâm đang tạm trú tại Thanh Đa, Bình Thạnh. Anh vẫn luôn gìn giữ những tác phẩm, những bút tích của ba anh, anh còn tập chơi nhạc và sáng tác để đỡ nhớ ba. Dù cho anh học không cao, làm nghề xây dựng và anh phải tha hương như trong câu hát của cha anh : “lênh đênh kiếp phong trần, nổi trôi theo ngày tháng”.
Hiện tại, tiền tác quyền của nhạc sĩ Thăng Long gia đình vẫn chưa nhận được từ bên phía trung tâm tác quyền. Cũng vì theo luật thì khi nhạc sĩ qua đời thì tất cả những người con phải lên ký tên và xác nhận, nhưng hiện tại Chị Trang (con giữa của NS Thăng Long) hiện đã đi lấy chồng ở Đài và cả chục năm nay bị mất liên lạc không thấy về. Còn Anh Tùng (con út) hiện đang vướng vào vòng lao lý chưa biết ngày nào sẽ về. Chúng tôi đang cố gắng hết sức giúp đỡ anh Tâm trong vấn đề này để gia đình sớm nhận được tiền tác quyền của nhạc sĩ Thăng Long để trang trãi thêm trong cuộc sống. Mong mọi thứ sẽ ổn và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình của nhạc sĩ Thăng Long.
Nhớ về Nhạc sĩ Thăng Long nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất.
Phúc Ben.
Thương đời nhạc sĩ quá!
Cười vay
Khóc mướn
Ai tri ngộ!
Bán nhớ
Buông thương
Trả nợ đời !