Chuyện Tình Dang Dỡ (Thôi Em Hãy Về Đi) Viết Lên Câu Hát Thiệt Thòi Của Nhạc Sĩ Mộng Long

Trong ký ức âm nhạc miền Nam, có rất nhiều câu chuyện ly kỳ phía sau sự ra đời của một nhạc khúc. Tuy nhiên, việc nhầm lẫn tên tác giả có vẻ như phổ biến hơn cả. Các tác phẩm nổi tiếng như: Thương Về Miền Trung hay Vùng Lá Me Bay cũng từng bị nhầm lẫn tên tác giả trong thời gian dài, hay Chuyện Tình Dang Dở  của nhạc sĩ Mộng Long lại thành bản hit thập niên 90 Thôi Em Hãy Về Đi.

Thật không khó để nhận biết khi mở lại băng nhạc Kim Đằng 1 phát hành năm 1973, bản thu Chuyện Tình Dang Dở của nhạc sĩ Mộng Long được ca sĩ Thanh Tuyền trình bày rất hay và truyền cảm. Ca từ giống hoàn toàn với Thôi Em Hãy Về Đi, tuy nhiên bản phối âm sau này có khác đi đôi chút.

Nhạc sĩ Mộng Long là nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975, ông là tác giả của những bài hát như: Chín Tuần Quang Trung, Lá Thư Đầu Tiên, Lá Thư Cuối Cùng, Người Em Xứ Bưởi… Ngoài ra ông còn là võ sư, ca sĩ (nghệ danh là Nhật Linh). Ông viết nhạc bằng trái tim, thường không suy nghĩ nhiều, nên những sáng tác của nhạc sĩ Mộng Long thường là những khoảnh khắc ghi dấu hay những câu chuyện ẩn tình phía sau.

Nhạc sĩ Mộng Long tác giả ca khúc Thôi Em Hãy Về Đi

Nhạc sĩ Mộng Long chia sẻ với Dòng Nhạc Vàng về hoàn cảnh sáng tác của Chuyện Tình Dang Dở như sau:
Nói đến thời điểm đó, tôi đang ở quân vụ thị trấn chờ đi vào quân ngũ, thời gian 7 giờ xe sẽ đi, trong lúc chờ xe đến đón cũng là lúc tôi chờ người yêu ra tiễn đưa. Nhưng chờ mãi đến 8 giờ vẫn chưa thấy nàng đến, buồn quá tôi nghĩ nếu cô ta đến tôi sẽ đuổi về và ngồi viết lên lời bài hát Chuyện Tình Dỡ Dang mở đầu bằng câu hờn trách Thôi Em Hãy Về Đi. Khi nàng đến bài hát đã xong, tôi ngồi hát bài hát mới sáng tác, còn nàng thì chỉ biết ngồi khóc… Bài hát này được ca sĩ Thanh Tuyền hát trong băng Kim Đằng 1 do nhạc sĩ Vinh Sử thực hiện.

Thời gian sau đó, nhạc sĩ Mộng Long đi quân dịch ở Chương Thiện. Sau 1975 ông đi hát cho đoàn ca múa quận Tân Bình ở Sài Gòn với cái tên Nhật Linh, đến năm 1980 thì sang định cư ở Canada. Từ thập niên 1990, nhiều bài nhạc vàng được phép hát lại ở trong nước. Quá trình này cũng như một sự chuyển giao của thế cuộc, từ đó phát sinh nhiều thông tin không đúng về tác giả. Ví như bài hát Chuyện Tình Dang Dở đã được nhiều ca sĩ hát với cái tên mới là Em Hãy Về Đi, tên tác giả nhầm lẫn là Vinh Sử.

Sau 1975, ca sĩ Chế Thanh là người đầu tiên hát lại ca khúc này trong băng Mưa Bụi 2 đình đám một thời. Với bản phối mới mẻ, MV hấp dẫn làm rung động cả một thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Sự thành công của Thôi Em Hãy Về Đi làm người ta dần quên Chuyện Tình Dang Dỡ.

Năm 2008, nhạc sĩ Mộng Long về nước đăng ký tác quyền cho bài hát, đồng thời yêu cầu các hãng băng đĩa tôn trọng tác giả thực sự của bài hát hát. Nhạc sĩ Vinh Sử sau đó cũng đã lên tiếng và viết một tờ văn bản đính chính “Bài thôi em hãy về đi là của nhạc sĩ Mộng Long”.

Như lời nhạc sĩ Mộng Long chia sẻ, khoảnh khắc chờ đợi ông tự nhủ khi người yêu đến thì sẽ nói Thôi em hãy về đi. Tiếp theo đó là những lời hờn trách người yêu, thật dễ dàng để hiểu ý nhạc bên trong, đó cũng là phong cách sáng tác của nhạc sĩ Mộng Long, ca từ gần gũi quen thuộc không hoa mỹ cầu kỳ. Em hãy về đi, xin đừng buồn chia ly, sao em nỡ phũ phàng để tình dở dang. Những ngày mới gặp nhau, yêu nhau thật đậm đà nhưng đừng nhắc nữa làm gì, bởi không còn gì để nhớ và chờ. Những ước mơ xưa cùng nhau đi hết cuộc đời, cùng chia sẻ những vui buồn của cuộc sống, nay cũng tan theo những câu thề hẹn ước của đôi ta. Những lời trách hờn ghen tuông của chàng trai thật đáng yêu và đáng thương, người đi quân ngũ mang những tâm tư của kẻ thiệt thòi, những gian truân phía trước người trai không sợ, chỉ sợ những đêm dài lẽ loi thiếu bóng người yêu. Biết bao nhiêu người đón đợi đóa hoa tuổi xuân, chắc em rồi sẽ quên khi mỗi đứa một nơi… bao hờn dỗi cùng lo sợ đổi thay nên người trai viết lên câu hát thiệt thòi cho chính mình và biết bao người ra đi vì lý tưởng.

Thôi Em Hãy Về Đi Tức Chuyện Tình Dang dỡ do chính tác giả cũng là ca sĩ Nhật Linh trình bày (Kỷ niệm 1973 một năm buồn nhất tại Đơn vị 3 QT chờ đưa đi đến Tiểu Khu Vị Thanh Chương Thiện).

Thôi em hãy về đi,
Xin trả lại em, những gì đầu môi em trao,
xui hai đứa gặp nhau mai sau nên nghĩa vợ chồng,
mà nay đâu ngờ biệt ly, em chớ buồn làm chi.

Thôi em hãy về đi,
em chớ sầu bi, bởi tình còn mang chia ly,
xui khi mới gặp em, yêu em yêu thật đậm đà,
Nào nay duyên tình dở dang, trách em sao quá phũ phàng.

Em ơi em ơi thôi còn gì đâu để nhớ, thôi còn gì đâu để chờ,
còn gì đâu ước mơ, ta chung nhau một lối, ta chia nhau nụ cười,
câu thủy chung lứa đôi, thề không đổi ngôi.

Thôi em nhắc làm chi,
em hãy về đi, hết rồi còn chi đâu em,
nay mỗi đứa một nơi
Em đang vui cạnh một người,
Còn tôi đêm dài lẻ loi, viết lên câu hát thiệt thòi.

Nghe nhạc là thư giãn và cảm xúc, nếu cộng thêm sự hiểu biết về hoàn cảnh sáng tác từ đó đồng cảm và ghi nhận tác giả đó là người nghe nhạc thông thái. Thời nay xã hội phát triển nhanh, giây phút chờ đợi người yêu có chăng là sự bực dọc, nhưng người nghệ sĩ thì lại khác, chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ họ có thể sáng tác một ca khúc để đời, bởi nghệ sĩ khác người thường ở chỗ đó. Ca sĩ trình bày tốt, bản phối hay sẽ giúp ca khúc đến nhanh và gần với người nghe hơn, nhưng người sáng tác mới là cha đẻ của tác phẩm cần được nhắc nhớ và vinh danh.

 Biên soạn: Hà Anh
Bản quyền bài viết của dongnhacvang.com

 

Comments (0)
Add Comment