Vào đầu tháng 12/2018, tôi bị trục trặc công việc, đói meo râu. Đói thì có đói nhưng tấm lòng với âm nhạc thì không bao giờ đói. Những ngày sau đó mỗi sáng không làm việc nữa mà đi long nhong qua các hàng quán café ngồi cho tới trưa. Cũng khoảng thời gian đó không khí Giáng Sinh gần đến, cứ nghe người ta mở bài “Sầu Đông” suốt thôi. Và tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Khánh Băng …..
Càng nhớ kỹ hơn, vào đầu năm 2015, kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Khánh Băng, tôi có xem trên Youtube một đoạn giới thiệu về nhạc sĩ. Có nói rằng hiện nay ông được an táng tại quê nhà Vũng Tàu. Tìm hiểu thêm trên internet thì có một ông Cha Xứ ở Bà Rịa chia sẻ hình ảnh về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Khánh Băng ở trong nghĩa trang Giáo Xứ mà ổng đang làm giám mục ở đấy. Một cô bạn tôi ở Vũng Tàu xác nhận biết ông Cha này, ổng tên A…(xin được giấu tên) và cũng biết luôn cả Giáo Xứ ông Cha đang làm giám mục có tên là Giáo Xứ Bình Ba ở Bà Rịa.
Quá tốt đi thôi, tôi ghi ra giấy những tài liệu này và vạch ra một chuyến đi hành hương tìm về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Khánh Băng. Đang thất nghiệp cho nên cũng tương đối rãnh mà, tôi triển luôn kế hoạch và thực hiện ngay vài hôm sau. Chẳng cần gọi báo trước với cô bạn làm gì cả, vì sở trường của tôi là … bất ngờ mà. Cùng lắm tới nơi nếu cô ấy bận thì tôi tới hỏi đường ông cha A cũng được. Hihi.
Con đường từ Sài Gòn xuôi về Bà Rịa Vũng Tàu không khó đi lắm, cứ chạy theo QL1 và quẹo vào QL51 đi Bà Rịa. Tới ngã ba QL61 giao với Mỹ Xuân – Ngãi Giao thì quẹo vào. Chạy đường 56 thì quẹo phải chút xíu là tới đầu hẻm nhà thờ Bình Ba. Nếu tôi nhớ không lầm ngay đầu hẻm là trường Trần Hưng Đạo thì phải. Nhà thờ Bình Ba cách đường cái khoảng hai ba trăm mét gì đó. Tôi đến cổng nhà thờ vào khoảng 10 giờ 30 sáng, nhà thờ đóng cửa ….. Tôi đứng kêu gào ngoài cổng tầm 15 phút mà chẳng thấy ai ra mở cửa. Đành phải làm phiền cô bạn rồi, tôi lấy di động gọi thì số của cô bạn lại ò í e ….. Bố khỉ, chết tôi rồi giờ phải làm sao đây ? tôi vào facebook của cô ấy tính video call thì thấy hôm nay nhà cô ấy có đám cưới. Thôi rồi, nếu mà gọi được thì chưa chắc cô ấy đã có thể giúp mình, đành tự bơi vậy.
Suy nghĩ trong 5 giây tôi liền đến một cửa hàng ở cạnh nhà thờ. Gặp chủ cửa hàng, tôi hỏi :
– Chào anh ! em đến kiếm Cha A có tí việc, mà em kêu nãy giờ chẳng ai ra mở cửa hết. Anh có biết ông Cha đi đâu không hay anh có số điện thoại của Cha không cho em xin với.
Anh chủ tiệm nhìn tôi rồi trả lời :
– Ông ơi, Cha A đã được thuyên chuyển đi Giáo Xứ khác cũng mấy năm rồi. Còn Cha X ở giáo xứ này giờ chắc ổng đi ăn cơm rồi. Mà ông kiếm Cha A có gì không !?
– Dạ không quan trọng lắm, em muốn kiếm một ngôi mộ người quen ở nghĩa trang giáo xứ mình, mà ông Cha A có biết ngôi mộ đó. Chết em rồi …. Mà xung quanh đây em không thấy cái nghĩa trang nào hết, anh có biết nghĩa trang giáo xứ của mình nằm đâu không ?
– Biết chớ, nếu ông muốn kiếm nghĩa trang giáo xứ tôi chỉ cho, bây giờ ông đi thẳng hướng bên hông nhà thờ, đi khoảng 2 cây số, quẹo trái băng ngang rừng cao su chạy thêm 2 cây số nữa. Sau đó ông nhìn xa xa hướng bên trái sẽ thấy nghĩa trang.
Tôi cảm ơn anh và tiếp tục lên đường. Con đường đất đỏ băng rừng cao su có vẻ không được êm đẹp cho lắm. Chạy mãi một hồi theo chỉ dẫn tôi đã biết mình ….. chạy lố. Vì càng ngày càng vào rừng sâu. Thôi thì quanh ra, để ý kỹ một chút thì ra tôi đi lộn đường, loay hoay một hồi tôi cũng tìm thấy được nghĩa trang Giáo Xứ Bình Ba. Xứ này nắng nhiều, người ta hay làm nhà mồ cho nên nếu mắt kém, nhìn từ xa bạn sẽ thấy giống như một xóm nhà hơn là một cái nghĩa trang.
Từ ngoài có một con đường thẳng chạy vào trong cặp bên hông nghĩa trang. Ba má ơi, cả mấy ngàn ngôi mộ, biết kiếm ông Khánh Băng ở đâu đây ? Tôi chạy ra chạy vô nghĩa trang 2 3 lần gì đó, cố để ý những ngôi mộ ven đường coi có ông nhạc sĩ bài “Sầu đông” không, vẫn không thấy … Khu này rừng cây nhiều cho nên chim chóc ở đâu cũng bay qua bay lại hót líu lo. Nhưng ở cái nghĩa trang này thì tôi cũng thấy hơi rợn rợn, vì nó nằm khá xa khu dân cư và chung quanh toàn rừng với rừng âm u thôi. Tự dưng đâu ra có một con quạ bay ra kêu quác quác làm người bạn đi chung xe với tôi sợ và nói với thôi cứ ‘từ từ’ mà kiếm, hắn sẽ ra đầu đường uống café chờ tôi …..
Bố khỉ thật, giờ còn một mình mình, nhưng đã đến rồi không lẽ lại về tay không. Tôi liền cầu nguyện với nhạc sĩ một cách chân thành và thật lòng như sau :
– Thưa Bác, con là một người yêu nhạc, từ Sài Gòn xuống đây viếng Bác. Nếu Bác có linh thiêng xin hãy chỉ cho con thấy nơi Bác nằm ở đâu, con hứa sau này có dịp sẽ tới thăm Bác …..
Và tôi tiếp tục tìm kiếm, lần này do không có xe, tôi quyết định đi bộ theo đường zích zắc xuyên qua nghĩa trang, vì tôi nghĩ đi đường zích zắc như vầy thì tỷ lệ kiếm ra sẽ cao hơn tôi cứ đi lòng vòng. Tôi đi đến cuối nghĩa trang thì đã thấm mệt, tôi đứng tần ngần cố nhớ lại hình ảnh ngôi mộ của nhạc sĩ Khánh Băng thì bỗng nhớ thêm một chi tiết quan trọng. Phía trên cao ngôi mộ có cây thập giá. Tôi tiếp tục bước nhìn vài ngôi mộ nữa thì bỗng tôi thấy lạnh toát từ phía sau, dù rằng gần 12h trưa và rất nắng. Quay lưng lại và tôi thấy nơi yên nghỉ cuối cùng của nhạc sĩ Khánh Băng …..
Khi viết kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động, tôi rất yêu nhạc của ông, những bài như Sầu Đông, Có Nhớ Đêm Nào, Sáu Tháng Quân Trường, Vườn Tao Ngộ, Tiếng Mưa Rơi, Trăng Thề, Vọng Ngày Xanh, Giờ này anh ở đâu ….. tôi thường nghêu ngao hát suốt ngày mà không thấy chán.
Tiếp tục sau đó, tôi đốt nhang cho ông, và đứng thẫn thờ suy nghĩ một hồi lâu. Một nhạc sĩ nổi tiếng như ông, khi qua đời nằm cô quạnh ở một nghĩa trang dìu hiu vắng vẻ như thế này. Không biết có ai thường đến thăm và đốt nhang cho ông không nữa. Khoảng nữa tiếng sau, tôi lết bộ ra cổng nghĩa trang và chờ người bạn đến đón.
Khi ra đến đường lớn rồi mà miệng vẫn lẩm bẩm trong miệng bài Sầu Đông của ông :
“Rồi ngày mai sẽ ra đi phương trời
Biết đâu trên đường vạn nẽo từ ly
Biết đâu cuộc đới ngày mai đổi thay
Mà tôi vẩn còn .. nhớ .. nhớ .. nhớ
Phút giây ban đầu …..”
Lòng cảm thấy thanh thản đến lạ thường, để biết trong ta luôn tràn ngập yêu thương.
Đây là video mình ghi lại trong một chuyến đi mà nhóm Nhạc Vàng viếng nhạc sĩ Khánh Băng sau này, các bạn có thể xem qua để hình dung nhé.
Phúc Ben.