Nhắc đến cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, thì bất cứ người yêu nhạc nào cũng không thể không nhắc đến những sáng tác nổi tiếng của ông như : Người Ngoài Phố, Nhớ Nhau Hoài, Đa Tạ, Hai Vì Sao Lạc, Gió Về Miền Xuôi, Giòng An Giang …. Ông qua đời vào tháng 3/1975 khi tuổi đời còn tương đối trẻ (36 tuổi).
Đó là những gì mà ngày xưa tôi biết về ông. Sau này, trên internet có ai đó nói rằng khi mất, ông được đem về quê nhà an táng tại An Hữu, Mỹ Tho. Nay là tỉnh Tiền Giang. Và gia đình ông, bao gồm vợ với hai người con hiện đang sống ở Bình Thạnh, Sài Gòn.
Đứng ở vai trò là một người mến nhạc, và rất yêu thích những ca khúc nổi tiếng do ông sáng tác, tôi bắt đầu hành trình đi tìm về nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Ước mong được một lần đến thăm ông, đốt cho ông vài nén nhang cũng như cảm ơn ông đã để lại cho thế hệ đời sau những tác phẩm hay không thể nào quên được.
Tôi nhớ đó là vào khoảng cuối năm 2011, tôi có trình bày nguyện vọng này với một người bạn quê ở An Hữu, Tiền Giang. Anh ta hứa sẽ hỏi giúp tôi thông tin của nhạc sĩ từ những người lớn tuổi cùng thời còn sống ở An Hữu xem họ có tin tức gì hay không ? Một thời gian sau thấy việc này không hiệu quả cho nên tôi cũng không trong mong gì nhiều, tôi chuyển qua phương án là hỏi các văn nghệ sĩ gia đình của nhạc sĩ Anh Việt Thu ở đâu, may ra thì điều này thực tế và đơn giản hơn. Tuy nhiên, rất nhiều văn nghệ sĩ ngày xưa từng tiếp xúc, làm việc và chơi chung với nhạc sĩ Anh Việt Thu đều không hề biết gia đình ông hiện sống ở đâu, cũng vì thời gian ông mất đã quá lâu và thời thế hơn 30 năm đã trôi qua, biết bao nhiêu vật đổi sao dời, làm sao mà họ có thể nhớ hết cho được.
Không nản lòng, tôi tiếp tục tìm một hướng khác phù hợp hơn nữa. Đọc kỹ những bản nhạc phát hành trước 1975 có ba bài hát tôi chú ý nhất đó là : Nhớ Nhau Hoài, Gió Về Miền Xuôi và Xa Dấu Ngựa Hồng. Ba ca khúc này được Anh Việt Thu phổ nhạc từ thơ Thiên Hà. Tôi bắt đầu chuyển hướng tìm hiểu về nhà thơ Thiên Hà, xem rằng ông còn sống hay không và nếu còn thì hiện giờ ông còn sống ở đâu. Thời gian đó, có một số tờ báo phỏng vấn thi sĩ Thiên Hà, có nhắc đến rằng sau năm 1975, ông là một nhà báo, đã về hưu năm 2003 và hiện đang sống tại quận 9, Sài Gòn.
Một nút thắt đã được mở ra, tôi nghĩ rằng ông Thiên Hà có thể giúp tôi kiếm được gia đình nhạc sĩ Anh Việt Thu, hay xa hơn có thể biết mộ phần nhạc sĩ Anh Việt Thu nằm ở đâu.
Nhưng quan trọng biết kiếm ông Thiên Hà ở đâu đây, tôi có email về những tờ báo đã phỏng vấn ông Thiên Hà để xin địa chỉ hay thông tin liên lạc. Nhưng hầu như không thấy hồi đáp. Tôi chán nản chẳng muốn kiếm nữa.
Nhưng đúng là “theo tình tình chạy, mà chạy tình thì tình theo”. Một ngày nào đó vào tháng 10/2013, ông Thiên Hà đã ….. kiếm tôi. Tôi vô tình thấy được ông comment trên Fanpages Nhạc Vàng do tôi quản lý, không để xổng thời cơ, tôi nhảy vào nói chuyện liền với ông, xin một cái hẹn đến tư gia ông để hỏi chuyện.
Qua nhà thơ Thiên Hà, tôi được biết gia đình nhạc sĩ Anh Việt Thu hiện đang sống ở đường Chu Văn An, Bình Thạnh. Nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời vào tháng 3/1975 và thi hài được đem về An Hữu an táng trong nghĩa trang nhỏ của dòng họ Huỳnh Hữu. Ông kể thêm sau đó vào năm 1976 ông có xuống đó một lần, nhưng từ đó tới nay thì chưa có dịp xuống thăm ‘bạn’ lần nào nữa. Ông giới thiệu tôi với anh Huỳnh Hữu Việt Bằng qua phone và trình bày ý nguyện của tôi cho anh Việt Bằng nghe. Anh Việt Bằng qua phone vui vẻ nhận lời và chỉ tôi đường đi nước bước, dặn tôi cụ thể rằng khi nào xuống tới cầu An Hữu gọi anh để anh cho người ra đón.
Tôi nhớ hôm đó là ngày 5/1/2014, tôi và thêm 8 thân hữu nữa đi trên 5 chiếc xe máy từ Sài Gòn trực chỉ hướng Miền Tây để viếng mộ nhạc sĩ Anh Việt Thu. Lịch trình hôm đó chúng tôi sẽ ghé thăm nhạc sĩ Hà Phương ở Mỹ Tho nữa vì tiện đường. Nhưng trời không thương người vì nghệ thuật các bạn à, tới cầu Bình Điền, chúng tôi bị bắt phạt vì chạy lấn tuyến. Thiệt tình các bạn nhỉ, tuy trong lòng bắt đầu cảm thấy không vui nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục, “đời trai chưa biết mỏi mà”.
Tới Mỹ Tho, chúng tôi ghé thăm nhạc sĩ Hà Phương trước, khi rời tư gia nhạc sĩ Hà Phương cũng đã 11h trưa. Chúng tôi tiếp tục lên đường về An Hữu để đến mộ nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Chao ôi, có đi mới thấy con đường QL1 từ Mỹ Tho về An Hữu sao mà xa ngút ngàn, đã vậy nắng tháng giêng sao mà nó gắt thế không biết, cả bọn mệt muốn xỉu dưới cái nắng gắt đó, vì đường quá xa xôi cho nên lúc chạy xe thất lạc nhau tứ tán, phải liên lạc và đứng đợi nhau vài lần. Đến Cái Bè, hai người trong đoàn 9 người phải chia tay với chúng tôi để quay về Sài Gòn gấp, vì chiều hôm đó 2 bạn ấy còn phải đi làm nữa. Còn lại 7 mạng chúng tôi tiếp tục chạy, chạy mãi cũng đến cầu An Hữu, chúng tôi tấp vào lề đường và tôi gọi cho Anh Việt Bằng. Anh Việt Bằng bảo chúng tôi đứng chờ chút sẽ có người ra đón, lúc đó tầm 2h30 chiều. Đợi khoảng 15 phút có một anh tên Tín (là em họ của Anh Việt Bằng) chạy ra dẫn chúng tôi vô nhà, phải công nhận đường vào khó đi thật, đường tuy tráng bê tông nhưng về ngang chỉ khoảng 2 mét, bên trái là 1 con rạch nhỏ và bên phải là dòng sông Cái Cối. Bò thêm khoảng 2, 3 cây số từ đường lộ, chúng tôi cũng đã mò đến được nơi cần đến. Nghỉ ngơi khoảng 15 phút, chúng tôi theo chân anh Tín hướng sau nhà đi về nghĩa trang của gia tộc. Trải qua hơn 3 năm hỏi thăm tìm kiếm, mất hơn 6 tiếng chạy xe máy, tôi đã thực hiện được ước nguyện đốt nhang cho nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Cả đám chúng tôi lúc đó do đường xa bất tiện, chẳng ai mang theo guitar, nên chỉ hát chay 2 ca khúc Nhớ Nhau Hoài và Người Ngoài Phố của nhạc sĩ Anh Việt Thu để tưởng nhớ ông. Sau đó chia tay gia đình anh Tín, lọ mọ thì về tới Sài Gòn cũng hơn 9h đêm.
Cả đám đi chuyến hôm đó về đều bệnh cả, nhưng không sao cả, vì chúng tôi biết rằng :
- Trong chúng tôi luôn tràn ngập yêu thương.
Sau đó, chúng tôi có xuống An Hữu viếng nhạc sĩ Anh Việt Thu thêm vài lần, một lần vào tháng 7/2014 với quân số 33 người, một lần vào tháng 3/2015 với 16 người (lần này là ngày giỗ lần thứ 40 của NS Anh Việt Thu). Và lần gần đây nhất là vào tháng 3/2020 nhân ngày giỗ lần thứ 45 của nhạc sĩ. Tuy vậy, nhưng tôi không bao giờ quên kỷ niệm đầu tiên tìm về thăm nhạc sĩ Anh Việt Thu.
Phúc Ben.