Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng
Nhớ chuyện bên đồi thông
Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín
Tâm hồn đang trắng trong.
Như chim non khi ăn còn chưa no
Khi co còn chưa ấm
Tuổi thơ ngây bao nhiêu chuyện mưa nắng
Nắng mưa lo một mình.
Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi
Trang điểm qua màu phấn
Để phai úa đến tàn cả hương sắc
Tháng ngày luôn héo hon.
Hoa không tươi khi hay nàng ít nói
Chim muông ngừng tiếng hót
Trời không thương nên đêm đổ giông tố
Cướp đi cuộc đời nàng.
Sao người về đây để tìm nhưng
Thôi đã mất còn đâu
Ôi! Buồn làm sao, đồi thông xưa
Nay vắng bóng người yêu.
Ôi! đời hợp tan, hợp rồi tan
Như mây kia gặp gió
Chàng tương tư bao năm về bên ấy
Vắng đi từ đấy !
Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng
Như lời xưa thề ước
Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc
Dưới mộ sâu đất khô.
Qua bao năm rêu xanh phủ che kín
Âm u chẳng nhang khói
Trời xuôi chi trên cây còn lá úa
Lá xanh kia rụng rồi…
Đồi thông hai mộ là một địa điểm tham quan du lịch nằm trên đồi thông bên bờ hồ Than Thở, Đà Lạt. Nơi này được nhiều người biết đến vì gợi nhớ một câu chuyện tình buồn của một đôi trai gái trẻ. Chàng trai tên là Vũ Minh Tâm, sinh trong một gia đình đại điền chủ giàu có và lúc ấy đang là sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam ở Đà Lạt, còn nàng tên Lê Thị Thảo, một giáo viên ở địa phương.
“Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín
Tâm hồn đang trắng trong
Như chim non khi ăn còn chưa no
Khi co còn chưa ấm”
Họ gặp nhau tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết và thề non hẹn biển. Tốt nghiệp, chàng về xin cha mẹ trầu cau cưới hỏi… nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt vì gia đình nàng không “môn đăng hộ đối”. Vì thật sự hoàn cảnh của Thảo khá khó khăn, còn Tâm lại là con trai độc nhất của một gia đình điền chủ giàu có ở Vĩnh Long. Chính vì sự chênh lệch về giai cấp, nên khi gia đình anh Tâm biết được chuyện của hai người liền ra sức ngăn cấm. Và còn bắt anh Tâm đi cưới người con gái khác mà chàng không hề yêu. Chàng đã xin chuyển đến vùng tuyến đầu lửa đạn để tìm quên… Và rồi, nàng nhận được tin báo tử của chàng từ chiến trường. Đau khổ tột cùng:
“Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi
Trang điểm qua màu phấn
Để phai úa đến tàn cả hương sắc
Tháng ngày luôn héo hon”
Sau đó, nàng vì quá đau buồn mà đã qua đời để giữ trọn lời thề vào ngày 15 tháng 3 năm 1956. Thuận theo nguyện vọng, gia đình đã chôn cất nàng ngay dưới khu đồi thông. Nhưng thật ra người ta đã nhầm khi báo tử, chàng không tử trận và đang trở về thăm nàng. Hay tin nàng đã không còn trên cõi đời này nữa, anh Tâm tìm đến mộ nàng vật vã khóc than, chàng sớm trở lại nơi chiến địa với ý muốn vùi thân nơi chiến trường. Sau đó không lâu anh cũng “đền nợ nước” trong một trận đánh. Lúc hấp hối, chàng để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi được gần nhau. Và:
“… mộ chàng đã được ở cạnh nàng
Như lời xưa thề ước
Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc
Dưới mộ sâu đất khô
Qua bao năm rêu xanh phủ che kín…”
Tuy nhiên, sau năm 1975, do tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên thăm mộ con, cha mẹ chàng đã cho bốc mộ anh đưa về quê nhà. Dù hài cốt chàng đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của hai người, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi. Và sau này ngôi mộ được một công ty đầu tư du lịch tôn tạo khang trang lại, trở thành điểm tham quan độc đáo cho những người đến Đà Lạt.
Và cũng vì xúc động với chuyện tình của anh Tâm và chị Thảo, nhạc sĩ Hồng Vân đã sáng tác ca khúc “Đồi thông hai mộ” này trong một lần ông lên Đà Lạt vào năm 1965. Bài hát điệu boléro này được nhiều người ưa thích và thể hiện thành công qua các giọng ca thời đó như: Hoàng Oanh, Phương Dung, Dạ Hương…
Thái Salem.