Trong tình yêu có rất nhiều cảm xúc mà chỉ những người đã từng yêu mới có thể cảm nhận được. Lúc mới yêu thì rung động, nhớ nhung, thất tình rồi tương tư, chờ đợi rồi ghen tuông, mù quáng. Nhiều khi xa là nhớ, khi gần là thương, và đôi khi trong tình yêu cũng không tránh khỏi sự tan vỡ, và giận hờn luôn là gia vị không thể thiếu trong các cặp đôi yêu nhau. Đa phần phái yếu hay giận hờn vu vơ nhiều hơn vì họ mong người bạn trai sẽ chủ động quan tâm và dỗ dành họ, và tùy mỗi người mà biểu hiện khi giận hờn cũng khác nhau có người im lặng, không chịu gặp mặt hay biểu hiện dữ dội hơn là đập đồ đạc, trả lại những vật kỉ niệm hay phá hủy nó giống như cô người yêu của chàng trai trong ca khúc “Xé Thư Tình” của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân. Ca khúc Xé Thư Tình được ông sáng tác vào khoảng năm 1971, bài hát là những tâm tư tình cảm bức xúc của chàng trai biểu hiện trước phản ứng dữ dội của cô người yêu.
Và ca khúc này, đối với nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân cũng như là một điềm báo trước cho tương lai của chính ông. Trong một lần tâm sự với người viết, ông cho tôi biết rằng ông kết hôn từ năm 22 tuổi với một cô gái do gia đình mai mối. Chính vì vậy mà sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, dù không muốn nhưng ông vẫn phải theo nghề dạy học để đảm bảo thu nhập nuôi vợ con. Song song với đó, ông vẫn sáng tác và chơi nhạc tại các phòng trà. Nhưng cũng từ đây, rắc rối lại tiếp tục đến với ông. Chẳng là mỗi buổi chơi nhạc thường kéo dài đến đêm khuya, các ca sĩ thường nhờ ông chở về nhà. Tuy việc này không diễn ra thường xuyên nhưng cũng đôi lần lọt vào mắt những người hàng xóm và đến tai vợ ông ngay sau đó. “Vợ tôi vốn là người hiền lành, nhẫn nhịn. Chính vì vậy mà nhiều lần nghe hàng xóm gièm pha về chồng, bà ấy cũng không để tâm hay hờn trách gì. Nhưng tôi biết vợ buồn, có người phụ nữ nào không suy nghĩ khi người ta nói chồng cặp cô này, bồ bịch cô kia? Có lẽ cũng vì thế mà tình cảm vợ chồng không được mặn nồng như xưa, sau này hay cãi vã, mâu thuẫn rồi cuối cùng không tránh khỏi ly hôn vào năm 2000.
“Em xé đi thư tình tôi đã viết
Em xé đi những gì tôi đã trao
Em, em xé đi, em xé đi một đoạn tình
Bôi xoá đi một đoạn đời
Mình trao lỡ cho nhau.”
Lời bài hát làm ta liên tưởng đến hình ảnh hai người yêu nhau đang giận hờn nhau, giai điệu ca khúc có phần sôi động như thể hiện giọng điệu có phần nóng nảy của chàng trai khi thấy người yêu trong lúc kích động đã định xé những lá thư mà anh gởi cho nàng. Trong những bức thư qua lại đã hình thành nên một mối tình với những tình cảm yêu thương nhớ nhung mà người viết gởi gắm hết vào nó, vậy nên nếu lá thư bị xé đi thì chàng trai coi như tâm tư tình cảm của mình với cuộc tình này như đứt đoạn từ đây “Bôi xoá đi một đoạn đời/Mình trao lỡ cho nhau.”
“Em xé đi linh hồn tôi đã bán
Em xé đi tim hồng tôi đã trao
Em, em xé đi cho nát tan một nụ cười
Cho chết đi một cuộc đời
Tình ta trót trao lầm.”
Rồi như sợ người yêu không tin, anh khẳng định thêm rằng những bức thư chứa đựng quá nhiều kỷ niệm hai đứa từng lời nói, nụ cười. Anh đã đặt hết tất cả những gì mình có, cả tâm hồn và thể xác cho cuộc tình này, nếu như cuộc tình tan vỡ, cả cuộc đời anh sao này sẽ như chết đi như cái xác không hồn “Cho chết đi một cuộc đời”. Câu hát như lời khẳng định lại rằng nếu nàng không chịu nghe mà xé thư đi thì coi như anh đã trao lầm con tim của mình “Tình ta trót trao lầm”.
“Còn gì, còn gì không em
Còn gì, ngoài một con tim
Tình buồn tình ngồi không yên
Em xé đi cho vừa.”
Phần điệp khúc với giai điệu trầm lại như lời thì thầm hay lời dỗ dành thỏa hiệp với người yêu. Hai người yêu nhau sâu đậm nếu sau này lỡ chia tay thì sau cuộc tình ấy người ở lại với những nổi đau chồng chất trong tâm hồn, còn gì ngoài thể xác với hơi thở khẳng định mình con sống “Còn gì, ngoài một con tim”, nổi đau cứ chồng chất qua ngày với những trăn trở, phiền muộn nhớ nhung về những kỷ niệm của nhau, con tim không thể nào bình lặng khi phải chia xa với người yêu “Tình buồn tình ngồi không yên”.
“Còn gì, còn gì không em
Còn gì, còn gì đâu em
Được rồi, được rồi anh đi
Em xé đi, xé đi.”
Ta có thể thấy rằng lời bài hát với giai điệu lên xuống như giọng nói lúc cãi vã của hai khi tranh luận với nhau, giọng điệu lời ca nghe như sự trách mắng nhưng thật ra trong lòng anh đang sợ hãi bất an, sợ phải nghe lời chia tay, sợ phải thấy cảnh tượng đau lòng, hay là sợ trong lúc kích động sẽ nói ra những lời không cứu vãn được nên mới có câu “Được rồi, được rồi anh đi”.
“Xé đi những gì em đã chán
Em xé đi những gì em đã chê
Em, em xé đi, xô ngã đi toà lầu vàng
Xe cát thôi loài dã tràng
Tình ta trót trao lầm.”
Đoạn cuối như lời than thở của chàng trai trước khi quay đầu ra đi, như lời nhắc nhở cuối cùng với người yêu. Cuộc tình hai người đã trải qua những gì, đã tốt đẹp ra sao, cũng như xin cô suy nghĩ lại, “em” có thể xé bỏ vứt bỏ những thứ mình không thích không cần nhưng hãy suy nghĩ thật thấu đáo, đừng vì trong lúc kích động mà phủ nhận bao nhiêu năm tình cảm của hai người, đừng như loài dã tràng xe cát biển đông “xô ngã đi toà lầu vàng/ Xe cát thôi loài dã tràng”,có thể vì lý do mà hai người hiểu lầm giận nhau không đáng, vì thế anh mong muốn cô đừng làm anh thất vọng bằng câu hát “Tình ta trót trao lầm”.
Giận hờn trong tình yêu là điều hết sức cần thiết phải có, như nồi canh ta thêm ít muối hài hòa với gia vị khác thì ngon, nhưng nếu thêm nhiều quá thì mặn quá không ăn được, qua những lần giận hờn hai người cần rút ra được vấn đề để giải quyết, để mối quan hệ được xây dựng ngày một bền vững hơn, nhưng nếu cứ giận hờn vu vơ một người giận bắt một người phải dỗ sẽ sinh ra phản ứng đi ngược lại, sẽ có lúc làm người khác mệt mỏi, sinh ra chán nản, và sẽ có suy nghĩ buông bỏ, nếu trong tình cảm có vết nứt rất khó có thể hàn gắn lại và sẽ dẫn đến chia tay. Chúng ta nên xây dựng một mối quan hệ bằng những tình cảm chân thành và hãy là những người yêu thông minh và lý trí .
Sakura
Nhưng có người lại nói tên bản nhạc lúc đầu là “Em xé đi” là câu chuyện của Nhạc sĩ với cô học trò ca sĩ không phải là thư tình, mà lúc cô học trò học nhạc , nhạc sĩ đã soạn nhạc viết bằng tay ( thời đó chưa có máy tính) ghi chú hát như thể nào, thế nhưng vào 1 ngày cô thành danh ca quay lại trách móc thầy trả cat sê thấp , nhưng thực ra là phòng trà trả, ông thầy không dính vào tiền, nhưng cô ca sĩ cứ nghĩ là thầy chặn tiền và trả lại tất cả bản nhạc thầy hướng dẫn, thầy giận và la lên: ” Em xé đi nhưng gì tôi đã viết, em xé đi những gì tôi đã trao…” không phải thư tình khi thầy soạn bài nhạc này với tâm trạng đó. nhưng không rõ vì sao sau này câu từ như xé thư tình