Cảm Nhận Về Ca Khúc “Tạ Từ Trong Đêm” Của Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh

Những cuộc chia ly buồn mang lại nhiều sầu nhớ cho người ở lại, và những cuộc chia ly trong tình yêu đem đến nhiều xúc cảm bồi hồi thương nhớ về người chuẩn bị đi xa. Ca khúc “ Tạ từ trong đêm” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đưa người nghe vào không gian buổi chia ly nhiều luyến lưu cho cả người đi xa và người ở lại . Trong đêm khuya vắng lặng, thế mà một tình yêu phải từ biệt xa nhau để lên đường vì quê hương đất nước. Nặng tình non sông nhưng không quên nghĩa tình người ở lại chờ mong “Nếu anh có về khi tàn chinh chiến, xin em cúi mặt dấu lệ mừng nghe em.”

“ Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối
Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi
Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ, sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ
Đã gặp nhau rổi, sao em không nói, sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?”

Một khung cảnh trời dần khuya trong một buổi chia tay, không gian bao trùm màng đêm sâu thẳm với những ánh sao trời le lói. Sương giăng kín đêm thâu làm mờ nhạt lối người đi, mờ nhạt những giấc mơ xây đắp tình yêu khi người ra đi. Hẹn gặp vào đêm khuya đưa tiễn người đi nghẹn ngào, thương nhớ vì sắp xa cách nhau, người con gái cúi mặt lặng thinh mang thêm nỗi buồn mang mác vào đêm thâu trước khi xa nhau hai người đôi ngả. “Em giận hờn anh chăng?” câu hỏi trìu mến nhẹ nhàng nhưng người nghe nhạc vẫn cảm thấu được nỗi lòng của hai người thương nhau trong hoàn cảnh từ biệt, xa nhau.

“Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng
Nên em cúi mặt ngăn giòng nước mắt phút giây tạ từ
Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn
Nếu em đã trọn thương anh xa vắng
Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân.”

Lòng người chinh nhân cảm thông nỗi buồn cô đơn của người ở lại, sau giờ chia tay quay lưng mỗi người đi về hai ngả khác nhau. Người ra đi có sao trời đưa lối, người ở lại đi về với bóng trăng gầy. Nỗi lòng mềm yếu của người em gái hậu phương khi yêu không cầm được dòng lệ buồn khi đưa tiễn người đi. Hai phương trời xa cách nỗi nhớ làm héo mòn tâm tư nhớ thương người. Nếu đã trọn tình thương nhau xin em hãy vững lòng, đừng buồn vì buổi chia ly cho lòng anh thêm nặng tình thương nhớ.

“ Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về
Mang lời thề lên miền sơn khê
Từng đêm địa đầu hun hút gió sâu

Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông
Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?”

Dặn lòng để lại tình yêu sâu đậm nơi quê nhà, người trai quyết mang ý chí tuổi trẻ ra tuyến đầu biên thùy vì tiếng gọi non sông, đất nước. Dù phải vất vả nơi miền địa đầu giới tuyến nhưng người trai vẫn cam chịu, lời hứa hẹn cùng người xin giữ mãi trong lòng. Tình nghĩa đậm sâu sẽ mãi bền vững nếu người vững lòng chờ anh về. Không chỉ riêng tình cảm đôi ta mới mặn nồng nếu em gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm hay vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông “Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?” lời động viên ngọt ngào dành cho người thương trước lúc lên đường.

“Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng sú*g
Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời

Đầu đường chia phôi anh không nói gì
Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi
Nếu anh có về khi tàn chinh chiến
Xin em cúi mặt dấu lệ mừng nghe em.”

Biết phải đi xa vì chí trai, anh muôn lời an ủi người yêu thương ở lại nơi miền xuôi. Anh thầm cảm ơn em đã vì anh mà đợi chờ, anh hứa sẽ thương em trọn đời, những lời hứa hẹn tình đôi lứa khi chinh chiến tàn anh sẽ quay lại. Hãy nhìn anh và em sẽ vui mừng khi ngày anh trở lại. “Tạ từ” mang cả tấm lòng tạ ơn trong buổi từ biệt người yêu trước khi lên đường.

Rất nhiều ca khúc viết lại những buổi biệt ly xa nhau của những người thương yêu nhau. Trong ca khúc “Tạ từ trong đêm” là một buổi biệt ly trong đêm khuya lại mang nhiều hơn những tâm tư buồn tủi, những bồi hồi của hai người yêu nhau sắp xa lìa hai ngả. Nhưng khi ca khúc vang lên ta nghe sẽ thấu hiểu được tâm trạng của một cuộc tình trong câu truyện và tia sáng hạnh phúc bởi lòng tin vào tình yêu và sự đợi chờ rồi người yêu sẽ quay về bên nhau.

Ruby

Comments (0)
Add Comment