Tình mẹ con luôn là chủ đề muôn thuở và nguồn cảm hứng vô tận cho các nhạc sĩ. Nhiều bài hát đã đi vào lòng của người nghe qua nhiều thế hệ, ví như ca khúc Lòng Mẹ, Bông Hồng Cài Áo, Người Mẹ Gio Linh… những bài này chỉ nói về người mẹ thuần túy, ca ngợi mẹ và tình yêu mẹ dành cho con. Cũng có nhiều bài hát về người lính và mẹ như ca khúc: Xuân Này Con Không Về, Cảm Ơn. Tuy nhiên, bài “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ có lẽ là bài hát hay nhất về tình yêu thương của người lính miền nam dành cho mẹ mình.
Nhạc sĩ Ðinh Miên Vũ tên thật là Ðinh Miên, sinh năm 1942 trong một gia đình nghèo tại làng Khuông Phò, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Ông tốt nghiệp khóa 24 – Trường Bộ binh Thủ Ðức năm 1967, rồi ra phục vụ tại Trung Ðoàn 2, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, trước khi biệt phái về dạy tại Trường Trung học Gia Hội, Huế. Nhạc sĩ Đinh Miên Vũ chỉ sáng tác vỏn vẹn 2 ca khúc: Sương Trắng Miền Quê Ngoại và Hai Quê (sáng tác sau này khi ra hải ngoại). Ca khúc nổi tiếng “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” do ông viết năm 1970 và được Duy Khánh mua bản quyền xuất bản, thâu thanh. “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” là một bài hát chứa chan tình yêu thương mẹ của một anh lính miền nam trong lúc đi hành quân.
“Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm
Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm
Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu
Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau”
Ca khúc mở đầu với hình ảnh hành quân đầy gian khổ của người lính. Anh phải “lội bùn dơ” và đi ngang qua đám lau sậy trong nước chằng chịt khiến anh phải cố lách qua và phải đi như vậy suốt cả đêm. Nơi có dấu chân anh đi lần này chắc có lẽ là quê ngoại cũ của anh nhưng đã từ lâu anh chưa có dịp về thăm, sương sớm có lẽ dày lắm nên đã làm “vai anh ướt lạnh mềm”. Buổi sớm với những đàn chim bay hoảng khi phát hiện bóng dáng đoàn quân của anh di chuyển ngang qua, đâu đó xa xa còn nghe tiếng vượn hú, tiếng thú rừng kêu gào.
“Nào những khi ôm thép súng tê tay
Đăm mắt theo bao hư ảo thở dài
Nơi chốn xa buồn thương mẹ quẳng gánh
Em còn khêu sáng ánh đèn từ sương mai”.
Có vẻ lúc này đoàn quân của anh đã tới nơi đóng quân, và có thể anh đang ngồi gác tiền đồn hoặc phục kích giặc theo lệnh của cấp trên. Trong sự chờ đợi căng thẳng và mỏi mòn đó, anh chợt nhớ đến mẹ và gia đình anh. Mẹ và em anh đang ở “nơi chốn xa” và không ở miền quê ngoại. Anh nhìn về phía xa xa nơi những cánh rừng xanh sâu thẳm và tưởng tượng hình ảnh sinh hoạt của gia đình anh lúc đó. Bấy giờ là sáng sớm, mẹ anh đang vác gánh lên vai để mang hàng ra chợ bán khi sương mai vẫn còn đọng trên lá hay đèn vẫn còn sáng trong căn nhà tranh nhỏ.
“Mẹ biết, bây giờ con ngồi hố nhỏ.
Gió hẹn mưa thề
Một khi con về quê ngoại xưa
Để mẹ nhắn lời thăm.
Đường làng cũ năm nào, khi con còn bé nhỏ.
Theo mẹ đến trường
Giờ đây con đường xưa còn đó
Tóc liễu vờn gió, ru buồn.”
Chắc anh cũng thường xuyên liên lạc thư từ với mẹ, nên : “Mẹ biết bây giờ con ngồi hố nhỏ”. Với những chi tiết trong lời bài hát như anh biết mẹ mình quàng gánh sáng sớm đến mẹ anh biết anh đang “ngồi hố nhỏ”, cho ta thấy tình cảm mật thiết của hai mẹ con, luôn thư từ qua lại và kể cho nhau nghe những việc hằng ngày trải qua, anh như hóa thành một đứa trẻ thơ kể lể tâm sự mọi chuyện với mẹ mình. Mẹ anh còn nhắn lời thăm họ hàng quyến thuộc vẫn còn ở quê ngoại khi anh có dịp đi qua quê ngoại “Một khi con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm”
Anh chợt nhớ đến ngày thơ còn bé, mẹ hay dắt anh đi trên con đường làng tới mái trường xưa. Bây giờ con đường đó vẫn còn, nhưng hình ảnh ngày đó đã không còn nữa, chỉ còn lại trong ký ức của anh. Lời bài hát bình thường nhưng có tác động mạnh liệt với người nghe, vẽ ra hình ảnh một người con khi còn thơ dại lẽo đẽo theo mẹ đến trường trên con đường làng, đó là hình ảnh một cậu bé ngây thơ, sợ sệt, nhút nhát phải dựa vào sự chăm sóc, lo lắng của mẹ, đó là một hình ảnh chứa chan tình yêu thương, nó có tạo cảm xúc bồi hồi cho người nghe khi nhớ về hình ảnh mẹ mình khi con thơ bé.
Vẫn con đường xưa năm đó “Giờ đây con đường xưa còn đó”, nhưng mẹ anh đang ở chốn xa, anh lính chỉ còn biết nhớ lại hình ảnh lúc mẹ mình dắt tay mình đến trường “Tóc liễu vờn gió ru buồn…”,như nhắc nhở anh mẹ anh nay đã là người phụ nữ trung niên với cuộc sống lam lũ, không còn mái “tóc liễu” của thời trẻ nữa.
“Bận hành quân, nên chắc khó thăm nhau.
Nhưng có nhau như hơi thở vào đời
Tóc em còn cỏ thơm hương cỏ may
Để anh nói chuyện ngày mai.”
Rồi anh lính lại chợt miên man suy nghĩ về người yêu của mình, sự cách trở về địa lý và khó khăn trong quá trình hành quân nên hai người không gặp được nhau. Với người yêu anh không mô tả nhiều về nàng, anh chỉ cho ta thấy cảm giác êm đềm ấm áp lúc hai người còn ở bên nhau “Nhưng có nhau như hơi thở vào đời”. Nhưng anh lính không biết người yêu có đang chờ đợi mình không, và anh mong nàng vẫn một lòng chờ anh ngày chở về để tính chuyện tương lai của hai người “Để anh nói chuyện ngày mai”. Hình ảnh “thơm hương cỏ may” đã ám chỉ tâm trạng một lòng chờ đợi người yêu trở về của cô gái.
“Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi.
Dăm đứa thân, nghe tin chẳng trở về
Xin có em nguyện cầu cho đời anh
Đá mềm chân cứng, để mẹ còn tương lai.”
Anh lính bỗng nhớ đến những người bạn thuở hàn vi của mình, cũng lên đường nhập ngũ làm bổn phận của người trai thời loạn. Có những đứa đã “đền nợ nước” và mãi không còn trở về được nữa. Anh biết thân làm lính trận không biết ngày mai mình sẽ ra sao, anh đã nhờ người yêu của mình “Xin có em nguyện cầu cho đời anh” để anh còn được sống , không phải vì anh tham sống, anh chỉ mong muốn mình được được tiếp tục chiến đấu, gìn giữ quê hương, cho cuộc sống của mẹ mình, gia đình và cả cho người yêu bé nhỏ của anh được an lành, hạnh phúc, ấm no. “Đá mềm chân cứng để mẹ còn tương lai…”
Theo tôi, ca khúc “Sương Trắng Miền Quê Ngoại” đã lột tả được tình yêu và nổi nhớ của anh lính dành cho mẹ ở nơi xa. Đây là bản nhạc duy nhất của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ trong kho tàng âm nhạc miền Nam trước 1975 và là một trong những bài hay nhất của thời chinh chiến.
Nhật Hà & Sakura.