Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu trắng như vì sao gối đầu ngủ yên
Phố đêm nhiều lần suy tư
Ghi nhớ còn trong đời
Những ngày thương tích lớn.
Mây đêm làm úa trăng gầy
Cho nên còn tiếng say mềm
Trước thềm ngàn lời vu vơ
Vì người hay mơ dòng đời như thơ.
Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây
Thương lá vàng úa tan
Mây bơ vơ bay khắp nẻo vô tình
Cho người yêu ước mơ.
Người đi khai phá nét kiêu sa
Tuy lính chiến xa nhà, mà vẫn luôn yêu đời
Bằng câu ca tiếng cười
Tìm vui trong giấc mơ
Dù bâng khuâng chữ ngờ.
Phố đêm lạc loài hương yêu
Chìm đắm như hàng cây giá lạnh ướt mềm
Phố đêm chờ người phong sương
Chinh chiến từ lâu rồi
Có niềm riêng hay ước.
Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để tôi dìu người tôi yêu
Dìu người không yêu
Và người chưa yêu.
Ca khúc Phố Đêm có thể coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Tâm Anh, bài hát này được ông viết năm 1968, ngay trong những tháng ngày sôi động nhất của thủ đô Sài Gòn lúc đó. Thời gian này, khi mà đêm đến, lệnh giới nghiêm bắt đầu được thực hiện ở Sài Gòn, Có lẽ đây là nỗi lòng của tác giả trong thời loạn lạc, tức cảnh sinh tình. Trong bối cảnh Miền Nam khi ấy đang phải gánh chịu một sức ép nặng nề từ mọi phía, những người trai thời loạn hằng đêm phải đi tuần tra bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn, nhưng đâu đó trên môi của họ vẫn luôn có những câu hát, những nụ cười trong màn đêm tối, và đâu đó luôn có những nguy hiểm, gian khổ rình rập biết đâu chữ ngờ.
“Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để tôi dìu người tôi yêu
Dìu người không yêu
Và người chưa yêu.”
Đoạn cuối của bài hát chúng ta có thể hiểu được nỗi niềm của những người trai thời ấy là xin còn được gìn giữ và bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ người yêu lính, chưa yêu lính và cả những người không yêu lính.
Nhiều thế hệ ca sĩ đã đưa bài hát đến người nghe thật tha thiết, tình cảm nhưng cũng có một vài cá nhân kịch tính hóa, gào thét, sửa lời làm mất cái hay của bài hát.
Thái Salem.