Ca Sĩ Ngọc Lan, Huyền Thoại Một Giọng Hát

Ngày 6 tháng 3 năm 2001, hệ thống truyền thông trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ loan tin ca sĩ Ngọc Lan vừa từ trần, hưởng dương 45 tuổi. Tin ca sĩ Ngọc Lan qua đời đã làm xôn xao không chỉ giới yêu nhạc Việt ở hải ngoại mà cả người hâm mộ từ trong nước. Người ta đón tin bằng một thái độ hết sức bàng hoàng. Ngọc Lan? Ngọc Lan nào? Thật không? Còn trẻ quá! Tại sao? Không thể tin được!!!… Nhưng trong thâm tâm ai cũng biết ngày ra đi của Ngọc Lan là cận kề vì cô đã chịu đựng căn bịnh quái ác “Đa Thần Kinh Hóa Sợi – Multiple Sclerosis” trong suốt một thời gian dài.

Ngọc Lan chính thức tham gia sinh hoạt ca nhạc tại hải ngoại vào năm 1982 tại Quận Cam – Thủ Đô của Người Tỵ Nạn, California. Tài liệu ghi lại là nhờ vào sự giới thiệu của ca nhạc sĩ Duy Quang, cô đến hát cho một vài quán café ca nhạc trong cộng đồng Việt Nam thời bấy giờ cũng như có thêm cơ hội trình diễn trên sân khấu. Giọng hát đó đã nhanh chóng gây được ít nhiều chú ý đến các trung tâm sản xuất băng nhạc và Ngọc Lan đã góp mặt trong các chương trình ca nhạc chọn lọc của Trung Tâm Lê Minh Bằng, cuốn số 3, phát hành khoảng năm 1982.

Đến cuối thập niên 80s thì giọng hát của ca sĩ Ngọc Lan đã thật sự tạo nên một cơn sốt âm nhạc trong giới trẻ, thời bấy giờ vẫn chỉ mới tại hải ngoại. Hai albums tiêu biểu cho sự thành công của cô phải kể đến “Ngọc Lan – Người Yêu Dấu” phát hành năm 1987 và “Ngọc Lan – L’amour Tình Ta” phát hành năm 1988. Hai album này đã mang tên tuổi của Ngọc Lan đến gần công chúng yêu nhạc thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Cả hai đều do trung tâm Giáng Ngọc thực hiện. Cả hai đều có một sức tiêu thụ mạnh đến nỗi giám đốc Lê Bá Chư phải cho tái bản nhiều lần để đáp lại nhu cầu của người hâm mộ. Điều thích thú là với “Người Yêu Dấu”, Ngọc Lan đã trình bày 10 ca khúc bằng tiếng Việt và với “L’Amour – Tình Ta”, cô gửi đến công chúng 12 bài hát bằng hai ngôn ngữ Pháp- Việt và cả hai Album đã khẳng định vị trí của Ngọc Lan trong sinh hoạt ca nhạc của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Ca sĩ Ngọc Lan không phải là người đầu tiên hát tình ca; cô cũng không phải là người đầu tiên hát nhạc Pháp; nhưng công chúng đón nhận giọng hát của cô như một làn gió mới mang hương sắc vào cuộc sống của những người tị. Tiếng hát đó, chắc chắn đã góp phần tạo thêm sinh khí cho phong trào nhạc trẻ đang dần hồi sinh thời bấy giờ.

Khi kỹ thuật băng hình được giới thiệu đến đại chúng, ca sĩ Ngọc Lan là người tiên phong thực hiện MV trong cộng đồng Việt Nam. Video “Như Em Đã Yêu Anh” của cô do trung tâm Mây Productions phát hành là một sáng tạo tuyệt đối từ phong cách trình diễn cho đến kỹ thuật thu hình. Công chúng yêu nhạc cũng cho là như vậy nên đã đón nhận video này bằng tất cả lòng yêu mến dành cho ca sĩ Ngọc Lan. Tiếp theo là “Mặt Trời Bên Kia Màn Sương” và những gì sau đó dường như chỉ để tiếp tục khẳng định tài năng của ca sĩ Ngọc Lan cũng như lòng yêu mến của công chúng dành cho cô.

Nhiều người cho rằng sự thành công của Ngọc Lan phần nhiều là do may mắn bởi lúc cô xuất hiện, sinh hoạt ca nhạc trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại đang thiếu nhiều giọng ca mới. Điều này có thể đúng nhưng chăc chắn chỉ là yếu tố phụ bởi giọng hát của Ngọc Lan đã vượt qua những đồng nghiệp khác để đến với giới thưởng ngoạn như một cơ duyên đã được sắp dặt từ trước.

Ngọc Lan có một gương mặt khả ái. Nhưng nét đẹp hiền hậu của Ngọc Lan lại luôn đượm chút u buồn và dễ hấp dẫn người đối diện. Cô cũng biết phát huy những ưu điểm của giọng hát của mình để truyền cảm xúc của bài nhạc đến người nghe một cách sâu sắc nhất. Ca sĩ Ngọc Lan có một chất giọng đặc biệt. Đó là một giọng hát ngọt ngào và truyền cảm, khi lên cao thì nhẹ nhàng mà lúc xuống trầm lại như lời thủ thỉ tâm sự. Người ta nhớ đến Ngọc Lan là nhờ vào âm sắc rất riêng từ giọng hát của cô.Giọng hát của cô buồn tựa hồ như những giọt nước mắt bằng pha-lê, đang trực chờ để vỡ tan trong lòng người mộ điệu. Giới thưởng ngoạn đôi khi đến với Ngọc Lan không chỉ để nghe cô hát mà như còn để chăm sóc và bảo vệ sự mong manh, dễ vỡ toát lên từ phong cách rất riêng của cô.

Ngọc Lan là người cầu toàn. Các sản phẩm âm nhạc của cô luôn được chăm chút kỹ lưỡng và giới thiệu đến công chúng yêu nhạc như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Mỗi một bài hát được ca sĩ Ngọc Lan chọn trình bày là một tâm tình cô muốn truyền tải đến khán, thính giả của mình. Cô có cách hát tự nhiên bằng tâm hồn chứ không uốn éo làm dáng hay cố tình ngân nga để phô trương kỹ thuật. Phong cách của Ngọc Lan cũng gần gũi với các giọng ca Việt Nam trước năm 1975 và mang đến cho người nghe một cảm giác dễ chịu như một sự tiếp nối một thời vàng son của tân nhạc Việt Nam. Cùng thời với Ngọc Lan còn có các tên tuổi lớn đã thành danh từ trước năm 1975 tại Sài Gòn. Tuy nhiên, đối với công chúng hải ngoại, sự thành công của ca sĩ Ngọc Lan tiêu biểu cho thế hệ của người Việt tỵ nạn, đang tạo cho mình một chỗ đứng quan trọng trong xã hội mới. Báo giới Anh ngữ tại California cũng có làm nhiều cuộc phỏng vấn với ca sĩ Ngọc Lan bởi sự thành công hết sức to lớn của cô.

Bây giờ là năm 2017. Đã 16 năm kể từ ngày ca sĩ Ngọc Lan ra đi. 16 năm vắng mặt Ngọc Lan trên sân khấu ca nhạc Việt Nam. Nhưng giọng hát của cô vẫn tiếp tục được giới thưởng ngoạn nhắc tới bằng tất cả lòng ưu ái. Người ta vẫn nghe Ngọc Lan hát. Rồi nhiều thế hệ mới lại tiếp tục biết đến và bị hấp dẫn bởi giọng hát của Ngọc Lan. Nhờ vào hệ thống điện toán toàn cầu, người hâm mộ còn sưu tầm các ca khúc của cô như một di sản quý báu cho cuộc đời. Tiếng hát đó dường như không còn chỉ đơn thuần là một giọng ca một thời nổi tiếng ở hải ngoại mà đã vươt khỏi biên giới không gian và thời gian để trở thành một huyền thoại về một giọng hát có khả năng chiếm trọn trái tim người nghe qua những bài tình ca bất tử.

(trích bài Chu Văn Lễ trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 109 phát hành ngày 10 tháng 3 năm 2017)

ngọc lan
Comments (0)
Add Comment