Lời tâm sự : Năm 1965, nhạc sĩ Thu Hồ đã giới thiệu 1 mầm non yêu ca hát đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để thử giọng, ai ngờ chỉ 1 lần cất tiếng, con chim nhỏ đã sải cánh tung bay khắp bốn phương trời. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện những người học trò xưa làm quan làm tướng về thăm thầy, cứ tưởng chỉ có trong chuyện Tâm Hồn Cao Thượng, nguyên tác Les Grands Coeurs (của tác giả Edmond De Amicis) nhưng không, từ bao lâu năm, giữa đời thường, vẫn có những người học trò nổi tiếng như Giao Linh vẫn thường ghé thăm, chăm sóc thầy từ những ngày trước và sau biến cố 30 tháng 4-75.
Năm mươi đó, biết bao tình nghĩa đong đầy. Mặc dù chưa hề cầm bút viết văn thơ, và nhất là thời gian này, Giao Linh bận bù đầu cho những buổi diễn kỷ niệm 50 năm ca hát của cô tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Âu Châu.. nhưng khi nhận được lá thư của người viết nhờ chị viết đôi giòng về vị thầy kính mến, cô đã ngồi xuống khoảng một ngày, một ngày với cô không ngắn cũng không dài, nhưng ghi làm sao cho đủ những lời tạ ơn muốn nói. Giao Linh đã viết: “Bảo ơi, chị sẽ kể lại cảm giác ngày mà Chị được thầy Thu Hồ đưa đến gặp thầy Đông. Em xem và sửa lại cho gọn dùm chị nhé”. Bài viết GL tuy ngắn gọn nhưng rất xúc động chân tình, chẳng cần phải sửa bất cứ một đoạn nào. Bài viết này được đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 5 của Trần Quốc Bảo phát hành ngày thứ sáu 13 tháng 3 năm 2015. Mời bạn đọc.
MỘT CẢM NGHĨ KHÔNG BAO GIỜ QUÊN TRONG ĐỜI.
Trần Quốc Bảo thương.. Thời gian đã thấm thoát 50 năm. Đã có quá nhiều điều để quên nhưng vẫn có những sự việc, những thời điểm muôn đời làm ta nhớ mãi. Trong thư, em nhờ chị ghi lại chuyện ban đầu 50 năm trước, lúc chị gặp thầy buổi đầu tiên cảm giác ra sao.. Sợ lắm em ạ.. Hình bóng và tên tuổi thầy quá uy nghi, còn mình chỉ là một con bé vô danh. Trên đường đi đến gặp thầy Đông, chị quá hồi hộp và tự hỏi không biết mình có được thầy Đông nhận mình làm học trò không, nên luôn miệng cầu nguyện. Khi đến và gặp thầy Đông, chị thấy thầy nghiêm nghị quá. Nói thật, chị sợ gần chết.
Nỗi sợ chưa tan, thì may thay, thầy Thu Hồ quay sang nói với thầy Đông: “Đây là cô bé mà em có thưa với Anh hôm trước. Em thấy cô ấy có giọng ca rất truyền cảm đầy triển vọng. Em nghĩ nếu được Anh thu nhận vào hãng dĩa Continental của Anh, thì sự thành danh của cô ấy sẽ không là vấn đề nữa. Nên hôm nay em đưa cô ấy đến gặp Anh”. Thầy Đông nghe xong có vẻ trầm ngâm một hồi. Không khí như ngưng đọng, giây phút ngắn ngủi này sao đối với chị như quá dài, chị nghe dường như mình nghẹt thở, không dám nhúc nhích nữa.
Chợt, có tiếng thầy Đông nói: “Ờ! thì cho thầy nghe giọng đi”. Chị thở phào khi nghe thầy nói, giọng nói trái ngược với gương mặt nghiêm nghị của Thầy. Giọng nói thật hiền hòa. Chị bắt đầu lấy lại bình tĩnh lẫn cả hy vọng để chuẩn bị hát. Thầy Thu Hồ lăng xăng lấy đàn và đàn cho chị. Thật tình sự việc quá căng thẳng trong lúc đó, nên chị cũng không biết mình hát ra sao và cho tới bây giờ cũng không nhớ mình đã hát bài gì nhưng thấy thầy Đông gật gù, nên chị cũng hơi an tâm. Thầy Đông nói: “Sáng mai con lên hãng dĩa để ký hợp đồng. Nhưng thầy nói trước là có nổi tiếng hay không là còn do tài năng riêng của con, thầy chỉ dạy con về kỹ thuật và hướng dẫn mà thôi, còn chất giọng là do Thiên phú, nhưng dù có Tài có Thiên phú đi nữa thì cũng cần phải có cái Đức, vì nếu có Tài mà không Đức thì không có giá trị lâu dài.
Phút giây đó, chị thật tình muốn khóc vì quá sung sướng, đầu óc miên man suy nghĩ lung tung không đầu không đuôi gì cả, có sự quan tâm dạy dỗ như thế thì mình quá có phước rồi, thật còn gi sung sướng hơn. Và cuộc đời của chị cũng thay đổi từ đây…
Trích trong báo Thế Giới Nghệ Sĩ ngày 13/03/2015.