Đại dịch Covid hiện nay là thời điểm đầy thách thức đối với nhiều cặp đôi xa nhau, khi họ phải sống trong các khu vực bị cách ly hoặc hạn chế đi lại để phòng dịch. Nhưng với tôi họ khá may mắn, vì khi họ xa nhau trong thời đại, phổ biến điện thoại thông minh, mạng xã hội, internet phát triển mạnh, họ vẫn sẽ được trao nhau lời an ủi, yêu thương qua các phương tiện mạng zalo, facebook…không giống như thời đại yêu nhau của các bậc phụ huynh chúng ta ngày xưa, khi đó họ chỉ biết gởi gắm tâm tư tình cảm qua những lá thư viết tay, mà thời đó phương tiện truyền thư lại rất khó khăn.
Tôi đã từng được chứng kiến tình yêu của ông bà tôi qua những lá thư viết tay. Tôi nhớ thi thoảng bà nội vẫn đọc lại những lá thư mà ông viết cho bà được gửi từ chiến trường ngày xưa. Bà hay nói rằng : “ngày ấy nhận được thư mà cứ sợ ông nội mày bị thương”. Và bà vẫn nhớ như in những lá thư ấy, còn ông thì nói hồi đó mỗi lần nhận được thư bà gửi như nhận được phần thưởng lớn, ông đọc thư đến nhàu nát, nó còn giúp ông vững tâm hơn vì ông sợ bà ở nhà theo người khác. Nhìn ông bà, tôi phần nào hiểu được vì sao đã tuổi tám mươi mà ông bà vẫn còn tình cảm như thế, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lây, nhưng đâu đó tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng thay cho thời đại của ông bà, thay cho những người trai thời loạn đã bỏ lại tuổi thanh xuân với mối tình thơ mộng, để lên đường chiến đấu, lòng tôi bỗng thắt lại, chợt nhớ đến câu hát “Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em” trong ca khúc “Thư Về Em Gái Thành Đô” của nhạc sĩ Duy Khánh và bài hát được trình bày thành công qua giọng hát ca sĩ Băng Châu.
Ca sĩ Băng Châu nổi tiếng từ trước 75, cô sở hữu giọng hát ngọt ngào của người con gái miền Tây sông nước, Cô đã thể hiện được ý nghĩa của bài hát, làm cho người nghe cảm nhận được tấm lòng, tình yêu thương thiết tha, lời nhắn gởi người yêu của chàng trai thời loạn. Bài hát qua chất giọng truyền cảm tự sự của Cô, ta như thấy được hình ảnh anh lính bên trang thư, trầm tư suy nghĩ lời viết gửi người yêu. Anh đang hồi tưởng lại, đã mười năm kể từ ngày anh xếp bút nghiên, rời xa mái trường, mang theo mối tình học trò vui bước chinh nhân. Anh nhớ nhung và cũng đau buồn khi nghe tin người em gái nơi thành đô đang quay cuồng đam mê với ánh đèn hoa lệ của phố thị, nhưng lời thư anh viết không một lời giận hờn, trách cứ. Chỉ thầm nhắc người yêu một cách khéo léo, đời trai còn sương gió cùng ba lô, vai mang súng, từng đêm còn miệt mài nơi rừng sâu núi thẳm, chỉ mong một ngày bình yên để được vui duyên lứa đôi. Câu hát “Đừng để cho nhau một lời đau xót ngày mai” nghe mà xót xa, bùi ngùi, lời nhắn nhủ của anh xin em đừng bị cám dỗ bởi ánh đèn màu đô thị mà quên lời thề xưa về tương lai. Với giai điệu buồn man mác, anh rối rắm khi trong một trang thư anh không thể nào bày tỏ hết nổi niềm của mình cho người em gái tỏ, từ đó làm nổi bật tình yêu chung thủy của người lính, và cũng làm lay động biết bao trái tim khán thính giả yêu nhạc.
Ca khúc được ca sĩ Băng Châu hát một cách chậm rãi, như lời thủ thỉ, tâm sự với người yêu, giọng hát Cô cứ nghèn nghẹn, tỉ tê như người chinh phụ, càng làm nổi bật tấm lòng thương nhớ lo lắng cho người yêu của anh lính. Những câu hát làm đánh động lại ký ức của biết bao người. Với xã hội hiện đại như ngày nay thì tình yêu không còn chậm trải lắng động như xưa nữa, họ quen biết rồi yêu nhau nhanh chóng qua các mạng xã hội. Họ không biết được cảm giác mong chờ một lá thư hồi âm như thế nào. Bất giác, tôi chợt nghĩ phải chăng vì thế mà yêu thương chóng vánh hơn rồi cũng kết thúc gọn ghẽ hơn. Lòng tôi bỗng chùng lại bởi những cảm xúc mờ nhạt, buồn vui khi xưa, nó như tro tàn bổng bùn cháy dữ dội, tôi lại muốn bắt đầu viết những dòng chữ đơn sơ trên trang giấy trắng.
Trung tâm Làng Văn đã tái hiện lại những kỷ niệm, tình cảm của một thời thanh xuân tuổi trẻ của biết bao người, thông qua MV “Thư Về Em Gái Thành Đô” với giọng hát ca sĩ Băng Châu. Đó là những ký ức đẹp, minh chứng cho tình cảm trường tồn mà thời gian không thể nào làm phai nhạt được.
Mọi người hãy bấm đăng ký và theo dõi kênh youtube của Làng Văn để sống lại một thời đáng nhớ. Link tại đây : Kênh Làng Văn Sing-Along và Kênh Làng Văn Radio
Dane.