Người lính dưới mắt nhìn của người lính thì họ hoàn toàn khác biệt với mắt nhìn và ý nghĩ của người dân. Ngoài ba lô súng đạn cùng chung chiến trường thì họ cũng bình thường như mọi người. Họ cũng mang đủ thất tình “Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục.”. Và trong tập thể của Quân-Đội thì nhân tài có quá nhiều, từ những nhân tài tơ lơ mơ cho đến những bậc thầy trứ danh đủ mọi ngành nghề. Một thí dụ nhỏ để dẫn chứng, điển hình trong 12 toán thám sát của Delta, tôi lại không ngờ sau bộ đồ rằn ri không đeo tên tuổi cấp bậc mỗi khi đi nhẩy toán lại có khá nhiều ca sĩ và nhạc sĩ tơ lơ mơ. Những ca nhạc sĩ tơ lơ mơ này đã mang đến cho chúng tôi những giây phút thật thoải mái trong những ngày đi hành quân hay ở hậu cứ. Những bản nhạc thời trang, kích động nhạc qua các ca sĩ nhà nghề trình diễn trên TV hay phát thanh qua làn sóng điện để gọi là “Anh trai tiền tuyến, Em gái hậu phương.” làm sao hát hay hơn được hạ-sĩ Nguyễn Miễn của liên toán thám sát Delta.
Hạ-sĩ Nguyễn Miễn có khuôn mặt chữ điền vuông vức, da sạm đen, tiếng nói lớn. Đầu tóc húi cua nên trên đầu Nguyễn Miễn lại phô trương đủ cỡ đồng hồ Seiko trắng (Sẹo lớn, sẹo nhỏ). Thân hình vạm vỡ sau bộ đồ bông, tay áo sắn lên cao đưa ra hai cánh tay cuồn cuộn bắp thịt xâm đầy hình ảnh rồng rắn. Từ nhân dáng của Miễn tự nó thoát ra một tay hảo hán, tứ chiếng giang hồ và dân nhà binh gọi nôm na là: “Dân chơi bốn mùa lá rụng”. Mỗi lần chúng tôi đi bát phố mọi người thường né tránh ánh mắt nhìn của Miễn. Với vóc dáng cô hồn như thế nhưng hạ-sĩ Nguyễn Miễn được Trời ban cho một giọng hát mượt mà truyền cảm nhiều khi dí dỏm. Những bản nhạc Nguyễn Miễn hát đã để lại sâu thẳm trong tâm hồn tôi những ray rức của tháng ngày xưa cũ. Thú thật với các bạn khi còn đi học tôi không mấy khoái cải lương, nhạc thời trang mà chỉ chạy theo những bản nhạc tiền chiến hay nhạc ngoại quốc nhiều khi khó nhai, khó nuốt. Những ngón đàn ngoại quốc học lóm của bạn bè để giựt “le” tôi cũng chẳng vớt được con nhạn nào. Cái kiến thức âm nhạc nửa mùa của tôi, nhiều khi tôi không dám phát biểu ý kiến trong các buổi họp mặt văn nghệ có các em gái hậu phương thơm phưng phức vì sợ mình bàn trật quẻ. Và tôi càng lớ ngớ hơn khi nghe các em đưa các bản nhạc của Schubert, Chopin, Beethoven ra so sánh rồi đấu hót xem nhạc của ai lãng mạn hơn. Tôi đành cúi đầu bái phục các cô để trở về với cái nhạc thời trang mà Miễn đã truyền lại trong tôi từ lúc nào không biết.
Hai tay đưa lên trời, lắc lắc cái mông trong vũ điệu Twist, Miễn hát : “Đời lính chuyên môn giặt quần đàn bà, tay cầm bàn chải tay cầm xà bông, Anh mong làm sao giặt quần cho trắng, giặt xong rồi anh tắm, Ấy! Lính mà em. Từng từng tưng tưng tưng tứng tưng từng….” Đó là bản “Lính mà em” qua sự sửa lời của Nguyễn Miễn. Những cái ngô nghê têu tếu của Nguyễn Miễn nhiều khi cũng mang chút cay đắng tình đời, qua cái cười mếu máo.
“Đã lâu rồi, đăng lính tính nuôi em
Nhưng em chê tiền anh ít
Thích tiền đô nên em đành lấy Mỹ
Cho tơ duyên mình bẽ bàng.
Và nơi đó em ơi có tiền dư
Xin “măng đa” về cho anh
Ít “ghim” anh xài
Đêm nay binh sập xám
Em ơi thua nhiều quá
Em ơi biết cho chăng đời lính ….binh nhì.”
Thế nhưng có một bản nhạc mà hạ-sĩ Nguyễn Miễn luôn luôn hát với sự trịnh trọng, và thả hồn mang theo tất cả những rung động của con tim của Miễn là bài “Kẻ ở miền xa” của nhạc sĩ Trúc-Phương.
Có những đêm buồn, ngồi trong lều tôi lấy đàn guitar của con nhà Lễ ra dạo nhạc chơi, thế nào hạ-sĩ Nguyễn Miễn cũng rề tới.
– Ê ! Thịnh đệm cho tao ca bài “Kẻ ở miền xa” đi mày.
– Ừa! ĐM. Thằng Miễn ca “Kẻ ở miền xa” còn hay hơn Duy Khánh. Trung sĩ Trương cư Chính chõ miệng nói
– ĐM tụi mày đừng có cười, Thịnh mày cứ đờn cho tao luyện giọng, ĐM rồi có ngày tao cũng hát hay như Duy Khánh
– Mày có giọng nhưng ca trật bù lon, tao nghĩ mày đi bán thuốc mại võ sơn đông, thay thế cho con khỉ nhỏ đạp xe đạp chắc lượm tiền. Vừa nói hạ-sĩ Mai Bông đứng dậy nhe răng quay mặt qua bên trái, bên phải hai tay khuỳnh lại gãi gãi bên hông chân co chân chống như đang đạp xe đạp.
-Thôi đủ rồi Bông để nó ca cho mày.
Tôi can ngăn khi nhìn thấy con nhà Miễn bị chọc quê hơi quá đáng. Tôi dạo đàn guitar theo nhịp điệu mùi mẫn Bolero. Thằng Miễn mắt lim dim mơ màng, tay phải đưa ra trước mặt như đang cầm micro, tay trái hơi đưa ra như đang nâng nhẹ sợi dây micro vô hình đi qua đi lại như đang ở trên sân khấu chờ tiếng đàn đệm dứt câu nhạc để bắt đầu ca. Tai chàng đang chăm chú nghe tiếng đàn “tắng tăng tăng tằng tăng tằng” Trung sĩ Chính cười hề hề “Dzô”
“Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ
Nhiều đông lắm hạ năm tháng đi qua, thiếu bóng đàn bà.
Người NÂNG LÍNH KHỔ viết bởi câu ca
Vì TIỀN hay THIẾT THA…
Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi.
Đến với tôi, hãy đến với tôi.
Đừng yêu lính….bằng lời….”
Lời ca mộc mạc nhưng trong khung cảnh buồn như chấu cắn ở căn cứ hành quân làng Cùa thật sự đang gặm nhấm thấm sâu vào nỗi suy tư của những thằng lính như bọn tôi. Lời ca của Miễn đang phá tan cái yên lặng của một đêm cô đọng những tâm hồn xa nhà. Giọng Miễn ngọt ngào quanh tiếng đệm đàn guitar. Nó đang miên man “Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc…Thèm trong hãi hùng, tiếng hát môi em, tiếng hát ngọt mềm…Ngoài kia súng nổ ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ.. ổ..” Miễn đang say sưa ngân dài chữ nổ cho giống Duy Khánh ngân bỗng có tiếng của hạ-sĩ Mai Bông hát chen vô “ĐÀO LỖ CHÔN ANH” Cả bọn phá ra cười bò lê bò càng, cười sặc sụa. Con nhà Miễn đang say sưa diễn tả bị hạ sĩ Mai Bông thọc cây gậy lãng nhách vô bánh xe nên cụt hứng.
– Đm. thằng Mai Bông ! ĐM. thằng Mai Bông ! Hạ sĩ Miễn chửi thề.
Những cái tiếu ngạo giang hồ đó là chuỗi ngày vui sống của bọn lính tôi. Chiến trường mỗi ngày mỗi khốc liệt, thằng biệt phái về đơn vị này, đứa tình nguyện về binh chủng khác, mỗi thằng một ngả. Nhưng người lính nào dù có ở đâu, cũng vẫn tay ôm súng, chân mang giầy trận đi khắp nẻo quê hương để diệt thù. Và từng ngày, từng đêm súng vẫn nổ nên chuyện “ĐÀO LỖ CHÔN ANH” là chuyện dĩ nhiên thường tình đối với người lính. Nhưng kẻ ở miền xa Nguyễn Miễn đã bị Hạ-sĩ Mai-Bông chôn tức tưởi trong đêm tối ở làng Cùa trong tiếng cười vang vang của lính thám sát Delta.
Giờ nay mỗi đứa một phương trời, sau bao nhiêu năm lưu lạc. Một đôi khi rỗi rảnh mở nhạc lên nghe, những lời ca của bản nhạc đã làm tôi chao đảo, hụt hẫng…
“Người ngỡ đã xa xăm, nhưng người vẫn quanh đây…” Nguyễn Miễn ơi ! Giờ này mi ở đâu ?
Đỗ Đức Thịnh
” Buồn Vui Đời Lính Với Ca Khúc ‘Kẻ Ở Miền Xa’” .Tác giả cho mình hỏi, trong tấm hình đầu trang có 4 người, tác giả cho hỏi người lính cầm đàn tên gì vậy ?