“Thôi rồi ta đã xa nhau
Kể từ đêm pháo đỏ rượu hồng
Em đường em, anh đường anh
Yêu thương xưa chỉ còn âm thừa.
Em đành quên cả sao em
Kỷ niệm xưa sánh như biển lớn
Ân tình cao tựa bằng non
Chỉ đổi bằng nhung lụa sao người…”.
Đó là những lời ca tha thiết và ai oán trong nhạc phẩm “Cho vừa lòng em” đã đi sâu vào lòng người yêu nhạc nhiều thập kỷ nay. Nghe ca khúc này, nhiều người nghĩ rằng đây là những lời trách móc người phụ bạc của một trái tim đang đong đầy thù hận. Tuy nhiên theo “cha đẻ” của bài hát thì nó mang một ý nghĩa cao cả hơn rất nhiều.
Từ phút xao lòng
Ở độ tuổi ngoài thất thập, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân – tác giả của ca khúc Cho vừa lòng em hiện đang sống những ngày tháng cuối đời bình yên bên gia đình tại một căn nhà rộng rãi trên đường Hà Huy Giáp (Quận 12, Sài Gòn). Đây là nơi ông sinh ra, lớn lên và sau bao biến cố cuộc đời lại trở về nương náu. Mặc dù sức khỏe đã có phần suy yếu, cuộc nói chuyện thường xuyên bị ngắt quãng bởi những cơn ho nhưng khi nhắc tới những sáng tác để đời của mình, ánh mắt của người nhạc sĩ vẫn sáng long lanh một cách lạ thường. Mặc Thế Nhân tâm sự, đó là khoảng ký ức, cũng là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời mà ông may mắn được trải nghiệm. Dù vui, dù buồn, dù hạnh phúc hay đau khổ thì ông cũng luôn trân trọng.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1938. Nhiều người cho rằng ông lấy bút danh như vậy với hàm ý mặc kệ thế gian, bàng quan với sự đời. Nhưng nhạc sĩ cho biết, thực chất bút danh Mặc Thế Nhân là “góp chút mực cho đời” chứ không phải nghĩa đen như nhiều người lầm tưởng. Thực tế, công việc “góp mực cho đời” của ông bắt đầu từ khá sớm. Năm 13 tuổi, Mặc Thế Nhân đã tham gia văn nghệ học đường. 16 tuổi, ông thọ giáo nhạc lý các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Hùng Lân… Tác phẩm đầu tay của ông là “Xích lại gần anh tý nữa” được phỏng theo bài thơ Xa cách của nhà thơ Xuân Diệu. Thời đó, bài hát này đã “làm mưa làm gió” trong các phòng trà. Tuy nhiên, giới hạn phòng trà chưa đủ làm cho cái tên Mặc Thế Nhân vang xa. Phải mất một thời gian dài nữa và trải qua nhiều biến cố cuộc đời, ông mới trở thành nhạc sĩ được nhiều người săn đón.
Biến cố đầu tiên trong cuộc đời chàng nhạc sĩ trẻ vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình ấm êm, đầy đủ chính là cái chết của người bạn gái đầu tiên. “Cô ấy quê ở Bà Rịa, lên Sài Gòn học và chung lớp với tôi. Thủa ấy tôi mới là cậu học sinh mười mấy tuổi đầu, những rung động đầu tiên của con tim nên còn nhớ mãi về sau. Chắc hẳn ai cũng không thể quên được mối tình đầu, với tôi cũng vậy. Dù chưa gắn bó lâu, chưa sâu đậm hay có sự chung đụng thể xác nhưng nó đánh dấu sự trưởng thành của con tim. Ngày đó, tôi với nàng cũng chưa ai thổ lộ với ai, chỉ biểu hiện qua ánh mắt, nụ cười và những cử chỉ quan tâm nhau. Tôi cũng đã từng nảy ra nhiều ý tứ để viết về nàng nhưng đều chưa viết ra được. Học xong, nàng trở về quê. Hai đứa cũng bặt tin nhau từ đó bởi thời xưa liên lạc không phải là điều dễ dàng. Mối tình học trò ấy cũng dần đi vào một góc trái tim tôi. Rồi bẵng đi một thời gian, năm 1968, tôi nhận được tin nàng đã qua đời. Nỗi đau cùng bao kỷ niệm trỗi dậy khiến tôi dạt dào cảm xúc và viết lên ca khúc Ru em tròn giấc ngủ”, nhạc sĩ hồi tưởng. “Ru em tròn giấc ngủ” với những lời ca tha thiết:
“Ru em ru em tròn giấc ngủ
Mộng hai mươi đó sức Nam Kha này mấy xa
Ru em ru em đẹp giấc nồng
Vờn đôi tay yếu kéo thời gian ngược dòng…”
Ngay lập tức được khán giả đón nhận và đưa tên tuổi Mặc Thế Nhân lên một nấc thang mới. Người thể hiện thành công bài hát này nhất chính là nữ ca sĩ Hương Lan.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân kết hôn sớm. Người phụ nữ kết nghĩa từ thưở đôi mươi cũng là người vợ theo ông đến tận sau này. Nhưng nhạc sĩ cũng thừa nhận rằng, ông đã từng có rất nhiều những phút xao lòng ngay cả khi đã có gia đình êm ấm. “Rung động là bản năng cũng là điều cần thiết ở những người làm nghệ thuật.Chẳng thế mà ai cũng lo sợ khi yêu và lấy phải nghệ sĩ. Nhưng tôi cho rằng đó là điều không thể thiếu nếu muốn sáng tác. Chúng ta không thể rung động trước một cái cũ, một cái đã quen thuộc. Chỉ có cái mới mới có thể tạo ra nhiều cảm xúc, tình yêu cũng vậy. Nói như thế không có nghĩa là nghệ sĩ thì được quyền sống buông thả, phụ nghĩa phụ tình, làm khổ vợ con. Vợ tôi là một người vị tha và biết cảm thông, nhưng cá nhân tôi cũng luôn tự ý thức về điểm dừng của mình để không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình”, nhạc sĩ chia sẻ. Và theo nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, bài hát Cho vừa lòng em cũng ra đời từ một lần xao lòng của ông.
Mong người toàn tâm với duyên mới
Đó là một cô gái xinh đẹp, kiều diễm người Huế mà nhạc sĩ gặp trong một lần ra Nha Trang du ngoạn. Theo trí nhớ của ông thì cô gái ấy có vẻ đẹp vô cũng thanh thoát. Mái tóc dài, đôi môi đỏ, làn da trắng và đặc biệt là giọng nói mượt mà đã đánh gục trái tim ông ngay từ lần đầu gặp gỡ. Cô gái cũng không giấu được niềm ái mộ chàng nhạc sĩ tài hoa mà đáp trả bằng nụ cười bẽn lẽn, thẹn thùng.
Nhưng hoàn cảnh “trai đã có vợ” của Mặc Thế Nhân khiến sự thể hiện tình cảm giữa hai người chỉ dừng lại ở đó, để rồi nhớ thương cứ nhân lên suốt nhiều ngày tháng về sau.
Nhạc sĩ trở về Sài Gòn, cô gái quay lại quê nhà, hai người kịp trao nhau địa chỉ để trao đổi thư từ. Mặc Thế Nhân tâm sự, với ông, mối tình ngoài luồng này nên gọi là bạn tâm giao thì đúng hơn bởi giữa hai người chỉ thể hiện tình yêu qua nét bút chứ chưa hề có tiếp xúc nào ngoài lần gặp đầu tiên. “Tuy nhiên không hiểu sao, tình cảm của tôi dành cho nàng vẫn rất sâu đậm. Tôi và nàng đã trao đổi với nhau không biết bao nhiêu là thư. Chúng tôi kể chuyện trên trời dưới biển, dành cho nhau những lời nhớ thương, yêu mến và cũng hứa hẹn một ngày gặp mặt”, nhạc sĩ nhớ lại. Nhưng dự định gặp nhau chưa thành hiện thực thì một ngày, Mặc Thế Nhân nhận được lời mới dự đám cưới của người tình. Nó nằm trong một lá thư giống bao lá thư khác, đến vào một buổi chiều khi nhạc sĩ đang ngồi tương tư về cô gái Huế bên khung cửa. Vội vàng bóc thư với niềm phấn khởi khi chuẩn bị được nghe những lời nhớ thương từ người trong mộng, ông chợt sững sờ khi rút ra là một tấm thiệp hồng. Trên tấm thiệp ấy là tên người con gái ông yêu và tên một chàng trai xa lạ.
Tấm thiệp hồng như nhát dao sắc cứa vào trái tim đa sầu đa cảm của người nhạc sĩ. Ông cảm thấy như mình bị phản bội, bị lừa dối bởi suốt thời gian qua thư tình vẫn đều đặn qua lại mà người trong mộng lại chuẩn bị đám cưới lúc nào không hay. “Trong cơn tức giận, tôi đem hết thư nàng ra đốt. Nhưng đốt xong rồi cũng chẳng thấy lòng nhẹ nhàng hơn, càng buồn đau. Đó cũng chính là lúc cảm xúc dâng trào khiến tôi nảy sinh những lời ca cho bài hát Cho vừa lòng em”, nhạc sĩ nhớ lại. Như vậy có thể thấy, những lời ca chính là những cảm xúc rất thật của ông khi trải qua lần thất tình này. :
“Anh về gom lại thư em, cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu
Gom cả áo lạnh ngày xưa, anh đem ra đốt thành tro tàn
Cho người xưa khỏi phân vân, khi ngồi đan áo cho người mới
Khi mùa đông lạnh lùng sang, em khỏi nhớ chuyện ngày xưa…”
Từ khi ra đời cho đến nay, “Cho vừa lòng em” đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện, từ Sĩ Phú, Evis Phương, Chế Linh, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh, Phi Nhung… sau này là Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Lệ Quyên… Nhưng Mặc Thế Nhân cho biết, ông vẫn thích nghe Hương Lan hát nhất. Là bởi nữ ca sĩ diễn tả đúng nội tâm, những gì ông gửi gắm trong ca khúc. Theo ông, Hương Lan hát “Cho vừa lòng em” rất nhẹ nhàng, ngọt ngào, hoàn toàn không có gào thét, lại càng không bị luỵ oán hờn. Chỉ là một sự hờn trách nhẹ nhàng, sự chấp nhận, cam chịu. Thực ra thất vọng chán chường, hờn giận – thậm chí là cả thề nguyền chỉ là bề nổi. Sau hành động “đốt thành tro tàn” tưởng chừng như chứa đầy oán hận là mục đích khác. Đó là để em không phải phân vân về tình cũ, khỏi “nhớ chuyện ngày xưa” để toàn tâm toàn ý với duyên mới. Mặc Thế Nhân thú thực, kết cục của cuộc tình ấy như vậy có thể nói là đã rất tốt đẹp. “Nếu nàng không đi lấy chồng, hai chúng tôi không biết sẽ dây dưa tới lúc nào. Người đau khổ cuối cùng cũng sẽ là nàng. Bản thân tôi nếu dấn sâu hơn nữa lại trở thành kẻ tội đồ khiến vợ con đau khổ. Người nghe nhạc có lẽ sẽ cảm thấy sự sầu hận trong “Cho vừa lòng em”, nhưng từ trong thâm tâm thực lòng tôi rất cảm ơn người con gái ấy. Cảm ơn em đã đi qua đời tôi, cho tôi những cảm xúc quý giá và nhạc phẩm được nhiều người yêu thích”, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân chia sẻ.
Nhung Đinh.
Cô gái ấy nghĩ gì mà cưới người khác lại mời người thương cũ thiệp cưới?
Rồi nếu người ấy đi dự thì cô có tự nhiên ko , có ngại ko?
Hay cô muốn nhìn thấy
khuôn mặt đau khổ của người kia!?
Không thể tiếp tục mối quan hệ này thì hãy im lặng dừng lại hoặc viết 1 lá thư thông báo rồi chấm hết mới hợp lý.
Còn mời thiệp người cũ dự cưới mình thì đúng là vô nghĩa.