Phong trào Nhạc Trẻ tại Việt Nam bắt đầu từ những nằm đầu của thập niên 60 rồi lan rộng cho đến thập niên 70 thì trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa không thể thiếu được của giới trẻ Việt Nam.
Click vào hình để nghe những bài hát của Ban Phượng Hoàng
Khởi đầu từ những thanh niên, thiếu nữ theo Tây học hay có trình độ ngoại ngữ. Họ du nhập những ca khúc đang thịnh hành bên Pháp rồi hoặc là hát lời Pháp, hoặc là Việt hóa để ca khúc có chút màu sắc Việt Nam và đến gần hơn với đại chúng trẻ tuổi. Đôi khi cũng không hẳn là một bài nhạc đang thịnh hành mà đơn thuần vì nó có vẻ hợp với khiếu thưởng ngoạn âm nhạc của người Việt. Khi chiến tranh bắt đầu lan rộng, phong trào Nhạc Trẻ lại phát triển thêm một góc cạnh mới là hát nhiều ca khúc bằng Anh ngữ để đáp ứng nhu cầu cho các sân khấu ca nhạc phục vụ cho quân đội Mỹ. Xu hướng nghe nhạc Mỹ ngày càng thịnh hành trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Tuy vậy, Nhạc Trẻ, cho tới thời điểm này cũng chỉ dừng lại ở những ca khúc ngoại quốc được các ca sĩ Việt Nam hát bằng ngôn ngữ gốc hay thêm lời Việt.
Ban Phượng Hoàng: Elvis Phương (hát), Nguyễn Trung Vinh (trống), Nguyễn Trung Cang (organ), Châu (bass), Lê Hựu Hà (guitar) (từ trái sang phải)
Ít nhiều trong đại chúng yêu Nhạc Trẻ cũng có người mong muốn có được những ca khúc do các nhạc sĩ Việt sáng tác, theo phong cách trẻ và đặc biệt là bằng tiếng Việt. Sự ra đời của Ban Nhạc Phượng Hoàng, là câu trả lời cho những suy nghĩ này. Chính thức xuất hiện vào đầu thập niên 70, Ban Phượng Hoàng với các thành viên chính là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Nguyễn Lê Trung Cang, và ca sī Elvis Phương, đã làm thay đổi cái nhìn của nhiều người về Nhạc Trẻ Việt Nam.
Cả ba thành viên đều đã có sinh hoạt với phong trào Nhạc Trẻ trước đó. Họ cũng đã từng là thành viên của những ban Nhạc Trẻ khác. Cả ba người đến với nhau và hỗ trợ cho nhau để tạo thành một màu sắc sinh động, đa dạng và phù hợp với tinh thần của giới trẻ thời bây giờ. Tuy sáng tác các ca khúc của mình bằng tiếng Việt, Ban Phượng Hoàng luôn giữ cho mình một màu sắc riêng biệt của Pop Rock và Rock với tiếng ghi-ta điện tử với những khúc dạo thật ấn tượng, tiếng đàn bass sôi nổi và tiếng trong nhịp nhàng trong nhịp điệu 4/4 – nhịp điệu đặc trưng của nhạc Rock. Các sáng tác của họ cũng nói về tình yêu, về thân phận, về những bất công của xã hội và cả về một thái độ sống tích cực hướng tới tương lai.
Người ta thấy Lê Hựu Hà thường có những sáng tác thiên về thái độ sống tích cực. Ông viết “Tôi Muốn, “Yêu Người, Yêu Đời”, “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời”, hay “Yêu Em”… Âm nhạc của ông cũng có bóng dáng của “thân phận” và khi cần tìm, người ta cũng dễ dàng nhận ra thái độ phản kháng của ông trước những bất công của xã hội qua các ca khúc “Hãy Nhìn Xuống Chân”hay “Xin Được Tha Làm Người”.
Nguyễn Trung Cang là gương mặt của rất riêng của Ban Phượng Hoàng. Ông sáng tác nhiều về những cuộc tình dang dỡ. Nhiều người có nhận xét là âm nhạc của Nguyễn Trung Cang mang nhiều màu sắc bi quan, yếm thế. Nhận xét như vậy không phải là sai nhưng cũng cần biết là Nguyễn Trung Cang cũng có những ca khúc lạc quan và hướng con người tới một thế giới vị tha và nhân bản. Cho dù ông nổi tiếng với nhiều tình khúc buồn như “Thương Nhau Ngày Mưa”, “Đêm Dài”, “Còn Nhìn Nhau Hôm Nay”… Nguyễn Trung Cang cũng thành công với “Bước Tình Hồng” hay “Tình Nhân Loại, Thú Thiên Nhiên”- là những bài tình ca mang ý nghĩa lạc quan và yêu đời.
Tuổi Dại (Green Age) là phim Việt Nam do Công ty Alpha Films thực hiện xong năm 1974 và xuất phẩm thập niên 1980 tại Nam California và Paris. Bộ phim về phong trào Nhạc Trẻ Sài Gòn đưọc Thái Thúc Hoàng Điệp đạo diễn; Thái Thúc Nha, Nam Lộc, và Trường Kỳ soạn kịch bản.
Những ca khúc của cả hai nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã được công chúng đón nhận qua phần diễn xuất tài tình của ca sĩ Elvis Phương. Elvis Phương có một giọng hát khỏe và vang. Ông chịu ảnh hưởng của các ca sĩ nhạc Rock của Mỹ, đặc biệt là Elvis Presley. Trước khi gia nhập ban Phượng Hoàng, ông cũng đã có chút tiếng tâm với những bài nhạc ngoại quốc lời Anh và Pháp. Khi giới thiệu những bài nhạc trẻ của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương trình bày một cách xuất sắc. Ông hát tự nhiên như bài nhạc đã viết cho riêng mình. Công chúng cũng đón nhận các ca khúc này với thái độ như vậy và tên tuổi của Elvis Phương, bắt đầu từ thời điểm này cho đến nay, luôn gắn liền với những bài nhạc của Ban Phượng Hoàng. Dĩ nhiên ông cũng trình bày thành công nhiều ca khúc khác, cả ngoại quốc lẫn những bài tình ca Việt Nam. Elvis Phương và Ban Nhạc Phượng Hoàng đã trở thành huyền thoại trong lòng công chúng yêu nhạc.
Trên 45 năm kể từ ngày chính thức ra mắt công chúng, ban Phượng Hoàng luôn được coi là những người tiên phong mang Nhạc Trẻ đến gần với tâm hồn Việt. Những bài nhạc trẻ thuần Việt của họ luôn được đón nhận như những viên ngọc quý của tân nhạc Việt. Nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã qua đời từ nhiều năm nay. Tuy vậy, các ca khúc của hai người vẫn luôn là được công chúng yêu thích, đặc biệt là giới trẻ thuộc thế hệ ra đời sau năm 1975. “Mặt Trời Đen” của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, đã được coi như một kiểu mẫu của Rock Việt và đã được nhiều ban nhạc Rock Việt Nam trong nước cũng như tại hải ngoại trình bày lại. Ca sĩ Elvis Phương vẫn còn sinh hoạt ca nhạc và vẫn còn là một giọng hát được ưa chuộng quá nhiều thế hệ. Elvis Phương và những ca khúc của ban Phượng Hoàng đã có những đóng góp to lớn trong phong trào nhạc trẻ. Họ đã góp phần tạo cho Nhạc Trẻ Việt một cá tính riêng, mang thêm nét phong phú và đa dạng cho sinh hoạt âm nhạc Miền Nam trước năm 1975. Ban Phượng Hoàng xứng đáng có một vị trí trang trọng, không chỉ trong phong trào Nhạc Trẻ mà còn cả trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam.
Vancouver, ngày 11 tháng 6 năm 2016
Theo Thế Giới Nghệ Sĩ
XIN TÔN TRỌNG TÁC QUYỀN
Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn dongnhacvang.com kèm theo link bài viết và tên tác giả. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. KHÔNG được đọc lại bài viết để tạo video trên YouTube… Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense.